SCMP: Người TQ kỳ vọng đập Tam Hiệp sẽ giải quyết được mọi vấn đề - Đó là suy nghĩ sai lầm!

Hồng Anh |

Trong vấn đề kiểm soát lũ lụt, những công trình thủy lợi nhỏ cũng có vai trò không kém phần quan trọng so với những siêu dự án như đập Tam Hiệp, theo SCMP.

Những trận lũ lớn dọc sông Dương Tử ở miền Trung Trung Quốc đã gợi nhớ lại những ký ức đau thương năm 1998, khi lũ lụt cướp đi 4.000 sinh mạng và gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).

Điểm khác biệt giữa năm 1998 và năm 2020, đó là đợt lũ lụt năm nay chính là thử thách lớn đầu tiên mà đập Tam Hiệp - dự án siêu đập thủy điện của Trung Quốc - từng phải đối mặt kể từ khi công trình này được đưa vào sử dụng năm 2006.

Ngoài ra, đây còn là bài kiểm tra về uy tín của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thủy lợi, khi nước này cung cấp viện trợ về cơ sở hạ tầng cho nhiều quốc gia khác trên thế giới, SCMP bình luận.

Những cơn mưa lớn dồn dập gây ra lũ lụt đã khiến hơn 150 người thiệt mạng hoặc mất tích. Các chính quyền địa phương đã tiến hành sơ tán hàng triệu người khỏi các khu vực bị lũ lụt đe dọa. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều động hàng ngàn binh sĩ đến khu vực sông Dương Tử để hỗ trợ địa phương đối phó với lũ lụt.

Chính quyền Bắc Kinh và các địa phương đang theo dõi sát sao tình hình. Theo lời các quan chức Trung Quốc, không có lí do gì để sợ hãi về việc cấu trúc đập Tam Hiệp xảy ra sự cố. Quả thực, con đập này được thiết kế với mục đích ứng phó với lũ lụt.

Tuy nhiên, một số bài báo được truyền thông đăng tải, trong đó có truyền thông phương Tây, đã hoài nghi về mức độ an toàn của đập Tam Hiệp. SCMP cho biết, một trong số những lí do dẫn đến sự hoài nghi này là việc một tấm ảnh vệ tinh có đoạn đập Tam Hiệp "uốn cong" bị hiểu lầm.

Mặc dù vậy, thực tế là Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với những trận lũ rất lớn trong mùa hè năm nay, vì nhiều lý do "phức tạp" chứ không chỉ riêng vì đập Tam Hiệp. SCMP nhấn mạnh rằng con đập này đã thực hiện nhiệm vụ chống lũ của nó. Nhưng sẽ thật thiếu thực tế khi kỳ vọng rằng một đập nước - dù công trình đó lớn đến mức nào - có thể xử lý được dòng nước lũ dữ dội đến nhường ấy, hãng tin của Hồng Kông bình luận.

Khi đỉnh lũ hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử, giới chức Trung Quốc đã xử lý bằng cách xả một lượng nước lớn từ đập Tam Hiệp. Điều này đã khiến tình trạng lũ lụt ở hạ nguồn càng thêm tồi tệ.

Thực trạng tại đập Tam Hiệp đã cho thấy vấn đề trong việc ưu tiên vào các siêu dự án của Trung Quốc. Đồng thời, chính phủ nước này lại chưa đầu tư đủ vào các công trình thủy lợi nhỏ hơn ở vùng thượng nguồn. Những đập nước, kênh đào nhỏ được bố trí một cách chiến lược ở vùng thượng nguồn để điều tiết dòng chảy, dòng nước lũ cũng có vai trò quan trọng không kém công trình lớn như đập Tam Hiệp, theo SCMP.

Hiện tại, SCMP cho biết, mỗi khi lũ về, người dân Trung Quốc thường trông đợi và kỳ vọng rằng đập Tam Hiệp sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng trận lũ năm nay đã chứng minh rằng đây là suy nghĩ sai lầm.

Để xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc cũng đã phải trả giá, khi hàng triệu người dân phải di dời đến nơi khác. Do đó, để đảm bảo và nâng cao lợi ích của công trình này, Trung Quốc cần đầu tư vào những công trình kiểm soát lũ phụ trợ, ít "hào nhoáng" hơn.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại