SCMP: Ban lãnh đạo TQ nên cảm ơn ông Trump và thôi ngụy biện cho tín hiệu kinh tế hỗn loạn

Hải Võ |

Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cho rằng Trung Quốc cần cảm ơn ông Trump vì đã thúc đẩy Bắc Kinh đưa ra những điều chỉnh chính sách.

Trung Quốc nên cảm ơn tổng thống Trump

Trong 6 tháng qua, người dân ở nhiều địa phương Trung Quốc đã được tận hưởng trở lại một điều tưởng như đã biến mất: Những chuỗi ngày bầu trời trong xanh và không khí sạch.

Những ngày sương mù u ám vẫn xuất hiện, như ở Bắc Kinh vào cuối tuần trước, nhưng chỉ là ngoại lệ. Đổi thay đầy bất ngờ này diễn ra sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ chống lại ô nhiễm không khí là một trong những ưu tiên của ông, và các giám sát viên nhanh chóng lần theo những "thủ phạm" gây ô nhiễm.

Thực tế này cho thấy chỉ cần ban lãnh đạo Trung Quốc đặt quyết tâm vào vấn đề gì đó, và giới chức địa phương nhận thấy trung ương không chỉ nói suông, thì những thay đổi sẽ đến ngay sau đó - bất chấp vấn đề khó khăn đến đâu.

Theo Wang, đã đến lúc ban lãnh đạo Trung Quốc có hành động hữu hiệu nhàm xóa đi những mơ hồ và bất ổn trong dư luận nước này về vấn đề đường hướng của đất nước. 

Vô số bài viết đã được tung ra trên truyền thông nhà nước để khẳng định lập trường thù địch của tổng thống Mỹ Donald Trump với Bắc Kinh - bao gồm cuộc chiến thương mại - đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế Trung Quốc.

Các lãnh đạo Trung Quốc cũng lặp lại nhiều lần cảnh báo rằng "những nhân tố khách quan" đã thêm phần làm kinh tế phát triển chậm lại.

Tuy nhiên, ông Wang nhận định, không phải ông Trump hay ý định của chính quyền ông đang kìm hãm sự đi lên của Trung Quốc - dù bằng chiến tranh thương mại hay cách khác. 

Ông cho rằng, Trung Quốc trên thực tế cần cảm ơn ông Trump, bởi nếu không có các động thái gay gắt từ phía Mỹ, chính phủ Trung Quốc sẽ không hạ nhiệt cỗ máy tuyên truyền quá đà của mình về những kỳ tích của đất nước, cũng như không nhìn nhận lại thực tế về những giới hạn và cạm bẫy của chính mình.

"Chùm" tín hiệu kinh tế đầy rối rắm của Bắc Kinh

Người tiêu dùng Trung Quốc hiếm khi được chứng kiến chính phủ "quyết liệt" đến thế trong việc giảm và xóa bỏ thuế quan đánh lên hàng hóa nhập khẩu, bao gồm hàng tiêu dùng và dược phẩm - với 3 lần điều chỉnh thuế trong năm qua.

"Mọi chuyện đều xoay quanh chính Trung Quốc," ông Wang viết trên SCMP, "về hướng đi của đất nước, và hành động mà Trung Quốc cần thực hiện để ứng phó với những sóng gió phía trước".

SCMP: Ban lãnh đạo TQ nên cảm ơn ông Trump và thôi ngụy biện cho tín hiệu kinh tế hỗn loạn - Ảnh 2.

Những tín hiệu kinh tế nhiều chiều của chính phủ Trung Quốc khiến doanh nghiệp và giới quan sát bối rối (Ảnh: EPA)

Nhìn và nghe phát ngôn từ giới chức Trung Quốc thì điều này dường như không phải là vấn đề lớn. Năm nay, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 40 năm tiến hành công cuộc cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng.

Trong hai năm qua, ông Tập cùng các lãnh đạo khác thường xuyên cam kết rằng Trung Quốc sẽ không đảo ngược xu thế, mà sẽ tăng cường cải cách sâu và mở cửa rộng hơn để chào đón nguồn đầu tư.

Hồi tuần trước, chủ tịch Trung Quốc tiến hành cuộc thị sát được tuyên truyền rầm rộ tới tỉnh Quảng Đông - cái nôi của cải cách mở cửa. Hôm thứ Năm (25/10), ông nói sự hiện diện của mình tại thành phố Thâm Quyến là nhằm tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng lại.

Trong tháng 10, cùng ngày chính phủ Trung Quốc công bố mức tăng trưởng kinh tế quý III đạt 6.5% - thấp nhất trong gần 10 năm, phó thủ tướng Lưu Hạc - cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập - đã có cuộc phỏng vấn bất thường với một số hãng truyền thông nhà nước.

Nhằm củng cố lòng tin trong nước trước tình hình kinh tế, diễn biến thị trường chứng khoán kém khả quan và căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ, ông Lưu lên tiếng hạ thấp tác động từ chiến tranh thương mại, cam kết chính phủ sẽ bơm nhiều tài chính vào thị trường chứng khoán, đồng thời thúc giục nhà đầu tư bình tĩnh để chờ đợi chuyển biến tốt hơn trong tương lai. Dù vậy, ông Lưu không nêu được một giải pháp cụ thể nào.

Động thái  trên là một chiến thuật điển hình thường được chính phủ sử dụng để xoa dịu thị trường khi tình hình kinh tế ảm đạm, dù vậy cách này vẫn có hiệu quả. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh sau bài phỏng vấn của Lưu Hạc, nhưng lại sụt giảm sau đó.

Cải cách mở cửa và "tự lực cánh sinh"

Wang Xiangwei bình luận, những phát biểu hùng hồn của nhà chức trách về chuyện cải cách và mở cửa đã quá quen thuộc, nhưng hành động của giới lãnh đạo thì như ngầm ám chỉ điều ngược lại. Tình trạng này khiến nhiều người ở trong và ngoài Trung Quốc bối rối khi đánh giá những tín hiệu hỗn hợp mà chính phủ phát ra.

Cho đến nay, một mặt ban lãnh đạo Trung Quốc khẳng định ủng hộ mạnh mẽ kinh tế tư nhân cạnh tranh - khu vực đóng góp đến 80% công ăn việc làm mới của đất nước; nhưng mặt khác, Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc nên cảm thấy "đúng đắn và tự tin" khi phát triển các doanh nghiệp nhà nước (SOE) lớn mạnh hơn - làm dấy lên e ngại rằng các SOE sẽ được tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn cũng như được chính quyền bảo trợ, từ đó "loại" các đối thủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thậm chí thôn tính các công ty này.

SCMP: Ban lãnh đạo TQ nên cảm ơn ông Trump và thôi ngụy biện cho tín hiệu kinh tế hỗn loạn - Ảnh 3.

Ông Tập trong chuyến thị sát tỉnh Hắc Long Giang hồi tháng 9, khi ông đề cao định hướng phát triển kinh tế một cách "tự lực cánh sinh" (Ảnh: AP)

Trong hơn 2 năm qua, nhiều tỉ phú Trung Quốc bị điều tra và kết án vì hành vi đưa hối lộ, các sản nghiệp tư nhân khổng lồ của họ sau đó thường phá sản và phải bán cho các thực thể quốc doanh.

Dù chính phủ lên tiếng mạnh về cắt giảm thuế phí để hỗ trợ khối tư nhân, những lợi ích thiết thực đến chậm bởi nhà chức trách còn chần chừ cắt giảm thuế giá trị gia tăng và chi phí an sinh xã hội - những phần chiếm khá nhiều lợi nhuận của khối doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi Bắc Kinh hứa hẹn và mô tả hình ảnh đất nước như một "nhà vô địch toàn cầu" trong thương mại, chính ông Tập cũng bắt đầu nêu cao định hướng "tự lực cánh sinh" để nước này gây dựng ngành công nghệ của chính mình và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Động thái này là phản ứng hợp lý, trong bối cảnh chính quyền Trump tỏ rõ lập trường sẽ kìm hãm bước tiến công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đề cao "tự lực cánh sinh" cũng khiến rất nhiều người trải qua các thế hệ trước liên tưởng về thời kỳ mà Trung Quốc "bế quan tỏa cảng" với bên ngoài, và tự lực cánh sinh là giải pháp duy nhất - Wang Xiangwei nhận xét.

"Ban lãnh đạo Trung Quốc từ lâu vẫn nói rằng đứng trước sức ép phức tạp từ bên ngoài, chính phủ sẽ không 'nhảy theo điệu nhạc' của đối phương, mà sẽ tập trung vào làm đúng và làm tốt công việc của mình. Nhưng nói thì đơn giản, hãy cho tôi thấy hành động," ông Wang kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại