Chuyện thích đùa nhưng không thích nói nghiêm túc
Mấy hôm nay, cả nước sục sôi vì thông tin vụ bê bối tình dục ở nước ngoài nghi là có liên quan đến hai nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam.
Những làn sóng trách cứ, thậm chí thoá mạ cả nghi phạm và nạn nhân cùng lúc chồm lên nhau khốc liệt. Một luồng ý kiến cũng không kém phổ biến thì theo hướng 'đen thôi, đàn ông ai chả thế'.
'Mình nghĩ trách cứ bất cứ ai thì quá dễ. Làm gì để câu chuyện tồi tệ kiểu này không xảy ra với bất kỳ người Việt nào nữa mới là điều cần làm.
Nhưng mấy ai nghĩ đến nguyên nhân tận cùng là thái độ thiếu nghiêm túc đối với tình dục. Sau những vụ bê bối tình dục, liệu người Việt có muốn thảo luận nghiêm túc hơn về chủ đề này?”, TS Khuất Thu Hồng đặt vấn đề.
Scandal tình dục, thích đùa nhưng không thích nói nghiêm túc về tình dục của người Việt. Ảnh minh họa
TS Khuất Thu Hồng cho biết, bà bắt đầu làm nghiên cứu lớn về kiến tạo xã hội của tình dục ở Việt Nam từ năm 2003.
“Nghiên cứu cho thấy người Việt chỉ thích đùa về tình dục nhưng không thích nói về nó một cách nghiêm túc. Khắp nơi người ta nói chuyện tiếu lâm về tình dục. Bất kể nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính, ngồi tụ tập cùng chưa nóng chỗ là có thể quay sang kể chuyện tiếu lâm, chớt nhả về tình dục.
Ấy thế mà trước mặt con cái, học trò, nhân viên hễ mà đụng đến chủ đề tình dục thì ai nấy lập tức trở nên khả kính, mô phạm…
Giáo dục giới tính và tình dục chưa có đủ có chỗ cần thiết đứng trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Người Việt vẫn tiếp tục giảng cho nhau rằng tình dục trước hôn nhân là cấm kỵ, phá thai là tội ác. Quan hệ tình dục “ngoài luồng” là không thể dung tha.
Thậm chí cả những cố gắng của vợ/chồng để làm phong phú thêm đời sống tình dục lứa đôi nhiều khi cũng có thể bị cho là dâm đãng”, TS. Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Bà cho biết, nói ra điều này không phải khuyến khích tình dục trước hay ngoài hôn nhân hoặc phá thai bừa bãi, lại càng không cổ vũ cái thứ tình dục “tự do” bất chấp đạo đức, pháp luật.
“Thông điệp mình muốn đưa ra là tình dục là một thứ quan trọng đối với mỗi người và với xã hội. Sự tử tế, đàng hoàng, nhân văn và văn minh của mỗi cá nhân hay mỗi xã hội cũng phản ánh qua quan niệm và hành vi tình dục của công dân và của xã hội đó. Và muốn có tử tế và văn minh thì cần phải học một cách nghiêm túc.”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Tình dục cũng phải học
Tuy nhiên quan sát dự luật mới gần đây, TS Khuất Thu Hồng nhìn thấy “cái sự thiếu nghiêm túc của một bộ phận người Việt” về tình dục “lại một lần nữa thể hiện rõ trong phản ứng của họ” trước Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của Bộ Lao động cũng như trước phát biểu của một số đại biểu quốc hội về bạo lực gia đình.
“Phản ứng đó cho thấy sự dễ dãi, cẩu thả, chuẩn mực kép… về tình dục của những người này. Không muốn nghĩ cho đến nơi đến chốn, cố tình lảng tránh thực tế xã hội, và cả khăng khăng bảo vệ đặc quyền của nam giới được cợt nhả và xúc phạm phụ nữ… nên họ giãy nảy trước những quy định thế nào là quấy rối tình dục.
Ví dụ điển hình là vụ người đàn ông trong vụ “cưỡng hôn” cô gái trong thang máy cách đây vài năm”, TS Khuất Thu Hồng dẫn chứng.
Việc từ chối suy nghĩ và thảo luận nghiêm túc về tình dục theo TS Hồng dẫn đến không ít hệ luỵ. Từ cuối những năm 1990 - Việt Nam luôn được gọi tên trong top những quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Nhà nghỉ mọc lên như nấm sau mưa để phục vụ tình một giờ. Tội phạm tình dục ngày càng gia tăng…
“Tuy nhiên, những sự thật đó chẳng khiến vấn đề được coi trọng hơn!
Dường như những cái chết tức tưởi, những tiếng khóc đau đớn của nạn nhân bạo lực tình dục hay tiếng thét xé lòng của Dạ Thảo Phương mới đây chẳng làm suy nghĩ người Việt mình thay đổi bao nhiêu.
Nhưng khi va chạm với một nền văn hoá và pháp luật khác, cái sự thiếu nghiêm túc đó, dù chỉ là một lần, sẽ có thể đưa bạn vào vòng lao lý và khiến bạn thân bại danh liệt”, TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Thái độ nghiêm túc đối với tình dục theo TS Khuất Thu Hồng là nhìn nhận đúng vai trò của tình dục đối với cá nhân và xã hội, dạy và học về tình dục một cách khoa học, đến nơi đến chốn, xây dựng khung luật pháp chặt chẽ để điều chỉnh hành vi của công dân, cả xã hội thảo luận về tình dục một cách có trách nhiệm theo hướng nhân văn, tiến bộ.
“Thời buổi toàn cầu hoá, người Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển nhưng nếu các nhà lập pháp và quản lý không nghiên cứu để luật pháp nước mình hài hoà với các luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực đạo đức phổ quát thì việc công dân nước mình vi phạm luật pháp nước ngoài chỉ vì suy nghĩ là điều khó tránh.
Mỗi cá nhân làm sai thì tự họ phải trả giá. Những cá nhân trưởng thành và hoàn toàn có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải tự chịu trách nhiệm về mỗi bước đi của mình. Tuy nhiên giá như không có sự "lệch pha" đó thì có thể bài học không đắng cay đến thế.
Ngoài sự "đồng pha" giữa luật pháp nước mình và luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này còn phải nói đến sự "đồng pha" giữa pháp luật và thực thi pháp luật ở trong nước.
Việc một số người suy nghĩ có tiền, có ảnh hưởng suy nghĩ họ có thể tác động để được hưởng ưu đãi khác biệt người khác không phải là điều quá hiếm. Không ít người đem nguyên cái tư tưởng đó khi đi nước ngoài, cứ tưởng là họ có tiền, có quyền lực thì luật pháp phải nương nhẹ hay cúi đầu”, TS Khuất Thu Hồng nói.