Saudi “ra giá” 10 tỉ đô để Palestine đồng ý thoả thuận thế kỷ của Mỹ

Song Minh |

Saudi Arabia sẵn sàng trả cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas 10 tỉ USD để chấp nhận “thoả thuận thế kỷ” của Mỹ về hoà bình Trung Đông.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Abbas, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman thông báo về các chi tiết của " thoả thuận thế kỷ " và yêu cầu nhà lãnh đạo Palestine chấp thuận - tờ Al-Akhbar của Lebanon đưa tin ngày 1.5.

Theo thông tin tờ báo có được, Thái tử Salman hỏi ông Abbas: "Ngân sách hàng năm đoàn tuỳ tùng của ông là bao nhiêu?". Nhà lãnh đạo Palestine đáp: "Tôi không phải là thái tử để có đoàn tuỳ tùng riêng".

Sau đó Thái tử Salman đề nghị trao cho Tổng thống Abbas 10 tỉ USD trong khoảng thời gian 10 năm nếu ông Abbas chấp nhận kế hoạch hoà bình Trung Đông của Mỹ hay còn gọi là "thoả thuận thế kỷ" và đưa chính phủ Palestine về Abu Dis thay vì ở Jerusalem.

Tuy nhiên, Tổng thống Abbas từ chối lời đề nghị và nói rằng nếu chấp nhận đồng nghĩa với việc "chấm dứt cuộc đời chính trị" của ông.

Ông Abbas giải thích, tình hình hiện tại khiến ông không thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào với các khu định cư bất hợp pháp, giải pháp 2 nhà nước và Jerusalem.

Ông Abbas khẳng định với Thái tử Saudi Arabia rằng người Mỹ sẽ không đưa ra bất kỳ đề xuất nghiêm túc hoặc bằng văn bản nào và cảnh báo nếu Chính quyền Palestine bị ép buộc phải chấp nhận một đề xuất không phù hợp, họ sẽ buộc Israel phải chịu trách nhiệm về các lãnh thổ bị chiếm đóng.

Ngày 23.4, cố vấn của Tổng thống Mỹ Jared Kushner - con rể ông Donald Trump - cho biết đề xuất hoà bình của Mỹ hay còn gọi là "thoả thuận thế kỷ" sẽ được công bố sau tháng ăn chay của người Hồi giáo - kết thúc vào đầu tháng 6.

Ông Kushner nhấn mạnh rằng thoả thuận này không phải là một nỗ lực nhằm áp đặt ý chí của Mỹ đối với khu vực Trung Đông, mà là kế hoạch rất chi tiết và mang lại cái nhìn toàn diện cho tiến trình hoà bình Trung Đông.

Thoả thuận thế kỷ được cho là có 2 phần chính. Phần chính trị sẽ giải quyết vấn đề bất đồng từ lâu về quy chế của Jerusalem và một phần kinh tế nhằm giúp Palestine thúc đẩy nền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại về kế hoạch của Mỹ sẽ không công bằng với Palestine, khi Tổng thống Donald Trump liên tiếp có những bước đi ủng hộ Israel, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về đây.

Ngay trước bầu cử, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây nếu đắc cử. Đây cũng là 2 nội dung nằm trong số các chi tiết của "thỏa thuận thế kỷ", bao gồm cả tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine phi quân sự ở dải Gaza và một số vùng thuộc Bờ Tây, Israel giữ quyền kiểm soát về an ninh; công nhận Israel là Nhà nước Do Thái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại