Sau 2 ngày xảy ra sự việc xe ô tô Mercedes đâm đổ lan can cầu Chương Dương lao xuống sông Hồng, ghi nhận trên cầu Chương Dương vào chiều qua chúng tôi nhận thấy, tại vị trí lan can bị ô tô húc đổ đã được đơn vị quản lý cầu thay bằng tấm lan can mới, sơn kẻ, hoàn thiện lại. Giao thông tại đây cũng như toàn bộ cầu Chương Dương đi lại bình thường.
Tại thời điểm PV có mặt không phải giờ cao điểm, nhưng lưu lượng ô tô, xe máy qua lại các làn đường vẫn đông đúc.
Ngoài ô tô con, xe buýt, ghi nhận lưu lượng phương tiện tại đây chúng tôi còn chứng kiến có cả xe tải từ 0,5 đến 3 tấn qua cầu. Đặc biệt 2 bên làn đường biên dành cho xe máy, ngoài ô tô con còn có cả xe buýt, xe tải lưu thông.
Tại một số vị trí chúng tôi đứng ghi nhận ở hai làn đường biên, mỗi khi có xe buýt, xe tải đi qua, thành, nền cầu rung lên bần bật. Với bờ bê tông làm móng dựng các thanh lan can sắt ở 2 bên cầu, nhiều đoạn bị nứt, bong tróc…
Đại úy Nguyễn Anh Tú, Đội CSGT số 5, Phòng CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ trên cầu Chương Dương trưa 5/11 cho biết, với các tuyến đường khác trong khu vực nội thành, buổi trưa do lưu lượng giảm nên lực lượng làm nhiệm vụ trên đường được giảm số lượng hoặc nghỉ giữa ca, tuy nhiên với cầu Chương Dương tại chốt phía đầu cầu phía Long Biên, CSGT thường xuyên bố trí 2 người túc trực, đảm bảo giao thông.
Trước việc vẫn có nhiều xe tải chở hàng chạy qua cầu, anh Tú cho biết, phương án tổ chức giao thông chỉ cấm xe tải lớn, còn xe tải nhỏ chở hàng vẫn lưu thông bình thường.
Cần “nắn” luồng xe tải sang cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì
Lãnh đạo Đội CSGT số 5 cũng cho biết, hiện các tuyến đường dẫn ra cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì đi lại cũng rất thuận lợi, liên ngành thành phố nên có phương án phân luồng xe tải vào trung tâm thành phố từ xa để đi ra cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, hạn chế tối đa xe tải đi vào cầu Chương Dương.
Ngoài đông phương tiện, hiện cầu Chương Dương còn có rất nhiều xe tải chở hàng dưới 3 tấn lưu thông cả ngày. Ảnh: A.Trọng
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, do thực tế cầu Chương Dương vốn là nằm trên QL1 trước đây nên khi có thêm cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, cầu Chương Dương vẫn là cầu huyết mạch tại nội thành.
Việc tổ chức cho ô tô con đi ở hai làn đường biên để giảm quá tải, ùn tắc là do xuất phát từ thực tế giao thông đông.
Tuy nhiên, về công tác đảm bảo an toàn, tổ chức giao thông ông Quyền lưu ý, cần rà soát, tổ chức lại cho phù hợp hơn.
Về an toàn của cầu, ông Quyền cho rằng, thiết kế 2 làn đường biên và hệ thống lan can chỉ đảm bảo cho xe máy, nay cho ô tô đi vào cần phải gia cố thêm hệ thống bờ lan can, đắp thêm bờ bê tông cho an toàn, đảm bảo làm sao ô tô có đâm, va vào cũng bị cản, đẩy ra chứ không thể lao ra ngoài.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì cũng có nhiều vụ ô tô lao vào bờ lan can, nhưng vụ nào mạnh thì 2 bánh trước vọt qua bờ lan can, còn sàn xe do có bờ bê tông cao nên được giữ lại.
Với bờ lan can hai bên đường biên cầu Chương Dương, do chỉ thiết cho xe máy lưu thông nên từ gờ bên tông đến bờ lan can rất mỏng, nhìn từ cao xuống trông như một lá lúa nằm ngang, hoàn toàn không chịu được sự va quệt mạnh từ ô tô.
Với xe tải, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu phương án, ban ngày nên phân luồng cho tất cả chay ra hướng cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, nhằm giảm xe tải, giúp xe máy ô tôn đi lại trên cầu Chương Dương dễ dàng.