Sau Vinfast, Vinsmart, Vinpearl Air... điều gì sẽ xảy ra nếu Vingroup nhảy vào thị trường viễn thông di động?

Mạnh Chung |

Hơn một năm qua, thông tin đồn đoán Tập đoàn Vingroup đang tính toán “đặt chân” vào thị trường viễn thông di động đã xuất hiện. Tuy nhiên, đến nay, cả Vingroup lẫn các bên liên quan đều chưa một lần xác nhận.

Có hai con đường đưa Vingroup đến với thị trường viễn thông di động, theo lời đồn và cũng là hai cách thức cơ bản nhất hiện nay, là Vingroup sẽ mua cổ phần chi phối hoặc toàn bộ một nhà mạng khác (mạng di động nhỏ).

Lãnh đạo một nhà mạng nhỏ xác nhận rằng doanh nghiệp ông đã được một tập đoàn lớn trong nước đề cập đến vấn đề mua bán, tuy nhiên doanh nghiệp nào thì ông không tiết lộ.

Ngả đường thứ hai là Vingroup sẽ đấu thầu băng tần (có thể là băng tần 2600 Mhz cho 4G) và thành lập mạng viễn thông hoàn toàn mới. Điều này cũng được đại diện một nhà mạng "tiên liệu" với người viết rằng đây là phương án có nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Tất nhiên những đồn đoán trên chỉ có thể xem là chính xác nếu Vingroup chính thức công bố thông tin hoặc những sở cứ đến từ các cơ quan chuyên ngành. Nhưng, dù vậy, giả sử họ tham gia vào thị trường viễn thông di động thật thì đâu là thách thức, cơ hội với tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam?

Thách thức nào cho Vingroup?

Đặc điểm của viễn thông di động là quy mô – tức phải xây dựng một hạ tầng mạng lưới rộng khắp và đủ tốt để đảm bảo tính liên thông, kết nối, đầu tư liền mạch rồi mới kinh doanh, chính vì vậy từ lâu viễn thông luôn được xem là cuộc chơi tốn rất nhiều tiền, phải đầu tư rất lớn.

Theo phân tích từ lãnh đạo nhiều nhà mạng, để mở một mạng di động mới hoặc mua một doanh nghiệp viễn thông nhỏ (hạ tầng còn rất khiêm tốn và hạn hẹp, chỉ băng tần là giá trị nhất) thì vốn đầu tư để xây dựng hoàn thiện hạ tầng mạng lưới viễn thông ít nhất cũng phải trên 1 tỷ USD, thậm chí để phát triển mạng lưới ổn định, đủ khả năng cạnh tranh với các mạng di động lớn vốn có thể lên tới 1,5-2 tỷ USD.

Sau Vinfast, Vinsmart, Vinpearl Air... điều gì sẽ xảy ra nếu Vingroup nhảy vào thị trường viễn thông di động? - Ảnh 1.

Khoản tiền đầu tư trên tất nhiên mới chỉ để đáp ứng nhu cầu cho hạ tầng cứng, như hệ thống mạng lưới, đường trục, mua công nghệ, mua trạm BTS, thuê địa điểm dựng trạm, nhân sự…

Khi phát triển mạng lưới kinh doanh như hệ thống kênh bán hàng, các chương trình bán hàng, marketing, khuyến mại, giảm giá… thì doanh nghiệp sẽ còn phải cần thêm nguồn lực tài chính nữa để kinh doanh, đưa sản phẩm dịch vụ đến tay người dùng.

Đại diện một nhà mạng lớn cho rằng, Vingroup là tập đoàn kinh tế hùng mạnh nên khoản tiền tỷ USD trên có thể không phải là rào cản quá lớn nhưng nó là khoản tiền đầu tư không hề nhỏ nên khi doanh nghiệp bỏ 1-2 tỷ USD ra chắc chắn phải tính đến hiệu quả mang lại.

"Bỏ vốn lớn mà không thấy hiệu quả thì toi. Càng lớn càng rủi ro, càng phải thận trọng hơn. Chắc chắn quyết định tham gia thị trường doanh nghiệp phải nhìn thấy cơ hội nào đấy", ông nói.

Thử thách tiếp theo là tỷ lệ thuê bao di động khi gần chục năm qua đã rơi vào tình trạng bão hòa, thậm chí có những năm số thuê bao điện thoại di động còn gấp đôi dân số. Thời điểm hiện tại Việt Nam đang có hơn 133 triệu thuê bao điện thoại di động. Việc tăng trưởng thuê bao di động những năm qua cơ bản theo chiều hướng âm.

Yếu tố này cũng khiến việc phát triển thuê bao mới của một mạng di động mới sẽ tương đối khó, sẽ không còn "dễ ăn" của thời dựng cột đến đâu có thuê bao đến đó.

Thứ nữa, do giá dịch vụ di động tại Việt Nam đã xuống rất thấp và người tiêu dùng từ lâu không còn quan tâm đến giá nên các chính sách giá rẻ, khuyến mại – chiến lược cạnh tranh cơ bản nhất của các mạng mới gia nhập thị trường – có lẽ cũng không còn nhiều hiệu nghiệm.

Thử thách thứ ba và cũng rất khó khăn với ngành viễn thông di động nói chung hiện nay là doanh thu dịch vụ viễn thông di động đã bước vào giai đoạn chỉ có giảm chứ không thể tăng.

Do ảnh hưởng của các công nghệ mới, xu hướng phát triển mạng xã hội tạo ra kênh giao tiếp chủ yếu, hay các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí (OTT) khiến sản lượng viễn thông (gọi, SMS) gần như không tăng trưởng và đi xuống từ năm bảy năm nay, không riêng thị trường Việt Nam mà của toàn thế giới.

Theo báo cáo của Telco2Research (STL Parners), doanh thu thoại, SMS có xu hướng giảm rất mạnh trong giai đoạn 2013-2020. Dung lượng sử dụng data Mobile tăng mạnh khi có 4G/5G, tuy nhiên đơn giá suy giảm mạnh nên doanh thu data dù tăng trưởng nhưng tỷ lệ không đủ lớn, không đủ bù đắp suy giảm thoại/SMS.

Gần nhất, trong nước, 6 tháng đầu năm 2019, các nhà mạng lớn đều có doanh thu, lợi nhuận hoặc là tăng rất thấp hoặc là âm. "Nếu chỉ tính riêng dịch vụ viễn thông cơ bản thì âm tất. Trong xu hướng bây giờ giữ - tức đứng im được đã rất khó rồi chứ đừng nói đến tăng trưởng", một lãnh đạo nhà mạng lớn thẳng thắn cho biết.

Tóm lại, cạnh tranh hạ tầng là trở ngại lớn nhất nhưng không phải là rào cản không thể vượt qua – theo chính những người có chuyên môn trong ngành nhận xét.

Và cơ hội của Vingroup

Với hàng loạt khó khăn, thách thức và bối cảnh thị trường viễn thông di động như vậy, câu hỏi đặt ra là cơ hội nào dành cho Vingroup? Quy mô, tầm vóc hiện nay liệu có đem lại lợi thế cho Vingroup khi "dấn thân" vào lĩnh vực viễn thông di động?

Ngoài thế mạnh thương hiệu, tài chính, mô hình quản trị chuyên nghiệp, lãnh đạo một số nhà mạng cho rằng lợi thế lớn nhất của Vingroup nếu tham gia vào thị trường viễn thông đó chính là đã đang xây dựng được một hệ sinh thái tiềm năng, từ Vinhomes, Vinpearl, Vinmec (bệnh viện), Vinmart (hệ thống bán lẻ), Vinschool, rồi mới đây là VinFast, Vinsmart, Vinpearl Air…

Sau Vinfast, Vinsmart, Vinpearl Air... điều gì sẽ xảy ra nếu Vingroup nhảy vào thị trường viễn thông di động? - Ảnh 2.

"Viễn thông cũng như bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, xu hướng quan trọng nhất bây giờ là xây dựng được một hệ sinh thái. Doanh nghiệp nào có hệ sinh thái càng rộng, càng sâu (khách hàng tin tưởng dùng nhiều) thì càng có cơ hội trở thành người chiến thắng", lãnh đạo một nhà mạng phân tích.

Theo ông, viễn thông hiện nay không còn nói câu chuyện của việc đầu tư trạm 3G, 4G, là thoại hay SMS nữa mà là hệ sinh thái, kiếm tiền bằng hệ sinh thái chứ không phải bằng thoại bằng SMS.

Hay viễn thông cũng không còn kể bằng câu chuyện thuê bao bởi đã có dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP), người dùng chỉ ngại đổi số thuê bao chứ đâu ngại đổi nhà mạng khi sang nhà mạng có nhiều lựa chọn hay ho, thú vị hơn.

"Nên, viễn thông phải là hệ sinh thái. Ai đem lại hệ sinh thái "khủng", quản trị tốt và đem lại giá trị thật thì các mạng còn lại phải coi chừng. Cơ hội của Vin chính là đang có hệ sinh thái tốt", lãnh đạo nhà mạng này tiếp tục nhấn mạnh.

Đại diện một nhà mạng lớn khác thì cho rằng do Vingroup là nhà đầu tư lớn nên khả năng "sẽ chơi một cuộc chơi lớn và cách chơi cũng sẽ lớn".

Bởi vậy, theo ông, khi đã chơi lớn thì chắc chắn sẽ tác động tới thị trường viễn thông, tất nhiên mức độ ảnh hưởng thế nào phải vào cuộc mới biết vì thị trường viễn thông khá đặc thù, không giống như bất động sản, không giống như làm chuỗi.

Vị đại diện này còn nhìn nhận việc Vingroup hợp tác với Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mới đây (khi SK rót 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup trong vụ hợp tác này cũng đã làm dấy lên rằng Vingroup sẽ tham gia vào lĩnh vực viễn thông di động - PV) cũng sẽ đem lại những lợi thế, kinh nghiệm nhất định cho Vingroup vì SK Group sở hữu SK Telecom - là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Hàn Quốc, và cũng sẽ có những chia sẻ về công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ cho Vingroup khi họ tham gia vào thị trường viễn thông.

Theo giới viễn thông, với việc phát triển một hệ sinh thái đa dạng hiện nay, việc tham gia vào các lĩnh vực mới như ôtô, điện thoại thông minh, rồi các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata… và xu hướng thời đại là một sự kết nối mạnh mẽ, toàn diện, do vậy nếu tập đoàn Vingroup tham gia vào lĩnh vực viễn thông di động thì cũng không có gì là bất ngờ, vì nó sẽ là một cấu thành quan trọng trong hệ sinh thái hiện nay của Vingroup.

"Doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU) của mỗi thuê bao hiện nay chỉ 50-70 nghìn đồng nhưng họ (Vingroup) có thể sẽ không tìm kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ cơ bản mà sẽ phát triển các công nghệ mới, các dịch vụ kết nối M2M (từ máy tới máy - Machine to Machine), từ các thiết bị đầu cuối, thiết bị công nghiệp (ví dụ như ôtô tự lái), hay mở rộng ra Mobile Money, như khám chữa bệnh…, lồng ghép tất cả trong hệ sinh thái lại, khi đó nguồn thu sẽ còn gấp nhiều lần", giới trong ngành nhìn nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại