Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 17/1 đã đến Senegal bắt đầu chuyến thăm châu Phi kéo dài 11 ngày và dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Macky Sall, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi. Zambia và Nam Phi sẽ là các chặng dừng chân tiếp theo. Trong một thông cáo, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, bà Janet Yellen sẽ tận dụng cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác kinh tế với châu Phi, trong đó có việc mở rộng các dòng chảy thương mại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Financial Times
Bà Janet Yellen là quan chức đầu tiên trong số các quan chức cấp cao Mỹ dự kiến đến châu Phi trong năm nay, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Theo chuyên gia Cameron Hudson tại Trung tâm Nghiên cứu và chiến lược quốc tế, điều này là khởi đầu cho sự tham gia thường xuyên của Mỹ với châu Phi và là điều mà Mỹ đã bỏ lỡ trong nhiều năm qua.
“Một trong những bước đi mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiến hành là lôi kéo thêm ngày nhiều nước châu Phi vào trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, trên tất cả thông điệp mà Mỹ muốn gửi đi là họ đang hiện diện tại châu Phi. Đó thông điệp không chỉ gửi tới châu Phi, mà còn tới Trung Quốc và tới Nga, những nước cạnh tranh với Mỹ tại thị trường giàu tiềm năng này”.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng cường cam kết với châu Phi khi nối lại lần đầu tiên sau 8 năm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi vào tháng 12/2022. Mỹ cũng đưa ra các cam kết đầu tư lên tới 55 tỷ USD trong 3 năm tới và ủng hộ ý tưởng về việc Liên minh châu Phi trở thành một thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20).
Trong phát biểu hồi năm ngoái về tầm quan trọng của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh: “Mỹ biết rằng, trong hầu hết những thách thức và cơ hội cấp bách mà chúng ta phải đối mặt, châu Phi sẽ tạo ra sự khác biệt. Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu của mình trên toàn thế giới nếu không có sự lãnh đạo của các chính phủ, tổ chức và người dân tại châu Phi dù đó là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và bao trùm hay chống biến đổi khí hậu,… Mỹ tin rằng đã đến lúc ngừng coi châu Phi như một chủ thể địa chính trị, mà hãy coi châu lục như một nhân tố địa chính trị quan trọng”.
Châu Phi là một châu lục giàu tiềm năng, đặc biệt là dầu mỏ, có quan hệ kinh tế và chính trị với cả Nga, Trung Quốc và phương Tây. Tuy nhiên đây lại cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây. Chiến lược châu Phi mới của Mỹ coi châu Phi là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia và khẳng định sẽ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự để mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí.
Nhà phân tích William Gumede tại Democracy Works đánh giá tình hình hiện nay giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra ở châu Phi, nơi các bên đối địch đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại của Mỹ với châu Phi đã giảm trong những năm gần đây và để duy trì, cũng như củng cố ảnh hưởng tại một khu vực có quá nhiều “Ông lớn” ngấp nghé như châu Phi, thách thức đối với Mỹ chắc chắn sẽ không hề ít./.