Sau thương vụ chuyển nhượng tỷ USD, Big C chưa nộp 3.600 tỷ đồng thuế

NGUYỄN THẢO |

Hơn 2 tháng kể từ ngày Central (Thái Lan) công bố nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,05 tỷ USD tương đương hơn 23.000 tỷ đồng, tuy nhiên cơ quan quản lý vẫn chưa thu được số tiền thuế chuyển nhượng ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng từ thương vụ này.

Có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế

Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi UBND, Sở Kế hoạch đầu tư và các Cục thuế nơi có siêu thị Big C, yêu cầu rà soát lại các quy định trước khi cấp phép.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu kê khai nộp thuế chuyển nhượng vốn với số tiền ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, khuyến cáo không cho chuyển chủ mới nếu chậm nộp thuế.

Theo quy định của Việt Nam, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thoả thuận chuyển nhượng vốn.

Tuy nhiên đã hơn 2 tháng kể từ ngày Tập đoàn Central (Thái Lan) và Tập đoàn Nguyễn Kim công bố nhận chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp), cơ quan thuế chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế của thương vụ chuyển nhượng này.

Sau khi nhận được công văn của Tổng cục Thuế, đầu tháng 7, Big C Việt Nam đã có công văn gửi Tập đoàn Casino cũng như đơn vị nhận chuyển nhượng là Central và Tập đoàn Nguyễn Kim đề nghị hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế chuyển nhượng.

Trước đó, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 29/4, Tập đoàn Central và Nguyễn Kim cho biết, tổng giá trị giao dịch của thương vụ chuyển nhượng Big C từ tay Casino về Tập đoàn này lên đến 920 triệu Euro, tương đương 1,05 tỷ USD, tương đương khoảng 23.300 tỷ đồng.

Theo ước tính của Tổng cục Thuế số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng này khoảng 3.600 tỷ đồng.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, trường hợp các bên kê khai và nộp thuế muộn, cơ quan quản lý thuế Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế cụ thể như các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sẽ bị dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật từ Tập đoàn Casino sang Tập đoàn Central.

"Đòi" bằng được 3.600 tỷ đồng

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, căn cứ vào các quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, thu nhập phát sinh từ thương vụ chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam có nguồn gốc từ Việt Nam do đó phải nộp thuế thu nhập doanh nghiêp.

“Điều này phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam cũng như quy định của các Hiệp định về thuế và thu nhập từ chuyển nhượng. Trên cơ sở đó Tổng cục Thuế sẽ có những phân tích, đánh giá và những biện pháp để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước sở tại”, ông Trí cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Tổng cục Thuế sẽ áp dụng biện pháp cụ thể trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật cũng như cam kết quốc tế cụ thể xem xét việc chuyển nhượng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Liệu có khả năng hệ thống Big C trốn tránh kiểm tra hay không trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ bằng cách lập nhiều cơ sở kinh doanh dưới mô hình Big C…

Theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, số tiền thuế được tính trên cơ sở lấy tổng trị giá chuyển nhượng trừ tổng vốn đầu tư và các chi phí sau đó nhân với mức thuế suất 20%.

Thực tế, từ khi có mặt tại Việt Nam vào năm 2007 đến nay, các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã nộp tổng số tiền thuế là 2.672 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế đã phát hiện nhiều sai phạm về thuế tại các công ty thuộc hệ thống Big C như khai thiếu thuế giá trị gia tăng, khấu hao không đúng quy định… theo đó Big C Việt Nam đã bị truy thu và phạt 25,5 tỷ đồng.

Trao đổi với BizLIVE, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, Tổng cục Thuế cần phải đòi khoản tiền thuế chuyển nhượng từ Big C Việt Nam, thực hiện công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại