Trung Quốc xả khí thải nhiều nhất hành tinh. Ảnh: Getty Images
Cuộc đối thoại ở Alaska giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 18/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNBC, trong báo cáo công bố tháng trước của nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Bank of America (BoA), đầu tư vào năng lượng của Trung Quốc đã vượt Mỹ với tỷ lệ gần 2-1 trong giai đoạn từ 2010 tới 2020.
Điểm trọng tâm gồm thống lĩnh chuỗi cung, chính sách sản xuất tập trung thị trường nội địa, luật nhân quyền và thuế quan liên quan carbon.
Giám đốc điều hành nghiên cứu của BoA, ông Haim Israel cho biết cuộc chiến khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra sau cuộc chiến thương mại và công nghệ, vì biến đổi khí hậu sẽ trở thành chủ đề chính trị và kinh tế chính trong những thập kỷ tới.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 2, ông Israel nói: “Đây không chỉ là việc cứu hành tinh. Chúng tôi cho rằng chiến lược khí hậu là con đường để giành uy quyền toàn cầu. Rủi ro ở đây là: tác động kinh tế của khí hậu có thể lên tới 69.000 tỷ USD trong thế kỷ này. Đầu tư chuyển đổi năng lượng cần tăng lên 4.000 tỷ USD/năm. Độc lập năng lượng và kiểm soát chuỗi cung cũng gặp rủi ro khi cán cân quyền lực địa chính trị gắn với đỉnh dầu vào năm 2030”. Đỉnh dầu là thời điểm mà sản lượng dầu thô đạt đến đỉnh điểm, sau đó nó được dự đoán sẽ bước vào giai đoạn suy giảm.
Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Israel cho rằng Mỹ sẽ tìm cách tăng cường pháp chế, đổi mới và dòng vốn trong các loại năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, pin và hydro.
Ngoài ra, Mỹ cũng tăng cường đầu tư vào ô tô điện. Ngày nay, 50% tổng lượng dầu toàn thế giới được sử dụng trong thị trường vận tải và ô tô là một phần lớn của thị trường này. Vì thế, ai kiểm soát xe điện và công nghệ xe điện chắc chắn sẽ có lợi thế lớn phía trước.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục dưới thời của Tổng thống Joe Biden. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc đối thoại căng thẳng với phái đoàn Trung Quốc tại Alaska trong cuộc gặp hồi tháng trước.
Ông Harry Broadman, Giám đốc điều hành tại tập đoàn nghiên cứu Berkeley, cho rằng năng lực sáng tạo, thực hiện và bán các sản phẩm thúc đẩy chống biến đổi khí hậu mà không gây ảnh hưởng tới thị trường lao động sẽ định hình bức tranh kinh tế trong những năm tới ở các nước phát triển. Ông nói: “Miễn là mọi người tin rằng sẽ có thị trường cho các công nghệ như vậy… thì các công nghệ này sẽ là nhu cầu thúc đẩy. Tôi cho rằng cuộc đua trong lĩnh vực này đã bắt đầu rồi”.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 ở Anh vào tháng 6 tới, ông Broadman cho rằng nhóm G7 sẽ cần tăng cường mạnh hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D); khoa học và công nghệ để cạnh tranh với Trung Quốc.
Sáng kiến ‘R&D7’
Ông Broadman đang thúc đẩy để đưa “R&D7” vào nghị trình hội nghị G7 sắp tới, tương tự như các nhóm công tác của nhóm G7 về các vấn đề quan trọng toàn cầu. Mục đích của “R&D7” sẽ là cải tổ cấu trúc để làm nền tảng cho đàm phán, thực hiện các thỏa thuận quốc tế về khoa học, công nghệ giữa các nước G7. “R&D7” cũng sẽ hướng tới thành lập một cơ quan độc lập có nhiệm vụ đảm bảo các thỏa thuận này tăng cường và hiệu chuẩn hợp tác trong R&D ở các nước G7.
Theo ông Broadman, các nước G7 làm tốt trong hợp tác về thương mại, đầu tư nhưng lại yếu kém về R&D. Đây là lĩnh vực này Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh lớn.
Trung Quốc đã cam kết đạt mục tiêu khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng 0 vào năm 2060. Các nước đang cam kết đạt mục tiêu này thải ra gần một nửa khí thải toàn cầu, trong đó Trung Quốc chiếm 2/3.
Tuy nhiên, đây có thể là cam kết khó thực hiện vì hiện nay, Trung Quốc là nước xả nhiều khí thải nhất hành tinh. Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khí CO2 thải ra toàn thế giới, gấp đôi lượng của Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng để thực hiện cam kết trên, Trung Quốc sẽ cần đầu tư 16.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng công nghệ sạch.
Tổng cộng, khoản đầu tư này có thể tạo ra 40 triệu việc làm mới và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Các khoản đầu tư sẽ dựa trên ba công nghệ liên kết có thể nhân rộng là: điện khí hóa, hydro xanh và thu hồi carbon.
Trung Quốc chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tăng 10,3%, lên 2,44 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2020, vượt xa Mỹ.
Trong khi đó, châu Âu là nơi có 8 trong 10 công ty công nghệ sạch lớn nhất thế giới, có tiềm năng tăng năng lực công nghệ sạch gấp 4 toàn cầu tới năm 2030. Các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm tới các công ty được coi là tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, từ xe điện tới năng lượng sạch.
Khi Trung Quốc bị ngăn chặn tiếp cận công nghệ Mỹ và các nước khác thuộc G7, ông Broadman cho rằng sẽ xảy ra tình trạng tách rời tiêu chuẩn, tạo ra “quỹ đạo mà Trung Quốc là trung tâm” và “quỹ đạo mà G7 là trung tâm. Ông cho rằng điều này sẽ không bền vững và chỉ có thể có một loại tiêu chuẩn trên thế giới xét về khía cạnh kinh tế đơn thuần.
Ông kết luận: “Đó là lý do tôi nghĩ rằng ai thắng trong cuộc đua sẽ ở vị trí đầu. Cuộc đua đã bắt đầu màà G7 còn chưa bắt đầu bằng hành động tập thể”.