Theo SCMP, lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên của Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc đã cập bến nhằm đáp ứng nhu cầu từ người tiêu dùng tại thị trường tỷ dân – vốn đang quen với sầu riêng đến từ 2 quốc gia là Thái Lan và Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Datuk Arthur Joseph Kurup vào ngày 24/8 cho biết họ đã bắt đầu vận chuyển 40 tấn sầu riêng tươi theo 3 giai đoạn, theo hãng thông tấn quốc gia Bernama của Malaysia.
Mục tiêu xuất khẩu của Malaysia là nhắm đến chất lượng hơn số lượng. Lim Chin Khee, cố vấn của Học viện Sầu riêng, một tổ chức đào tạo người trồng sầu riêng Malaysia cho biết: “Sầu riêng Malaysia được coi là một sản phẩm xa xỉ và khối lượng xuất khẩu hiện ít hơn và hướng tới người tiêu dùng cao cấp hơn”.
Theo Tân Hoa Xã, giai đoạn đầu tiên gồm 20 tấn sầu đã đến sân bay Quốc tế Zhengzhou Xinzheng ở tỉnh Hà Nam vào ngày 25/8. Được một số người mệnh danh là vua của các loại trái cây, sầu riêng được coi là một món ngon ở Trung Quốc và có thể được tặng vào những dịp đặc biệt, bao gồm cả đám cưới.
Trung Quốc là nước mua sầu riêng lớn nhất thế giới và nhập khẩu 1,4 triệu tấn vào năm ngoái, trong đó 68% đến từ Thái Lan tính theo trị giá.
Với việc một số người tiêu dùng phải trả tới 200 nhân dân tệ (28 USD) mỗi quả cho loại trái cây béo bở này, các quan chức Trung Quốc vào ngày 23/8 đã gặp các đối tác Indonesia để thảo luận xem liệu Trung Quốc có thể tiếp nhận các lô hàng sầu riêng từ quần đảo Đông Nam Á này hay không.
Các quan chức ở Jakarta hy vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng từ tỉnh miền Trung Sulawesi, coi Trung Quốc là một thị trường đầy hứa hẹn với nhu cầu cao về trái cây của người tiêu dùng Trung Quốc”, Tân Hoa Xã cho biết vào tháng 7.
Sầu riêng Indonesia cũng cần phải đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt của Trung Quốc, đảm bảo chúng không bị sâu bệnh.
Indonesia đang chờ Trung Quốc ban hành một nghị định thư sau nhiều năm đàm phán, tờ Jakarta Globe đưa tin vào ngày 24/8. Theo tờ báo, Ngoại trưởng Retno Marsudi đã thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 24/8 trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh.
Nhà kinh tế Lynn Song của ING Greater China cho biết việc thiếu tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh của Trung Quốc có thể đã cản trở các lô hàng của Indonesia. Song cho biết: “Các quy trình, thủ tục giám sát và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vẫn chưa được thống nhất, đây có thể là nguyên nhân chính khiến sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc thiếu hụt”.
“Giả sử các cuộc đàm phán đó thành công, tôi cho rằng sầu riêng Indonesia có thể bùng nổ tại thị trường thích hợp ở Trung Quốc do nhu cầu cao”.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Indonesia, năm 2023, Indonesia đã sản xuất tới 1,85 triệu tấn sầu riêng, trong đó trên 50% tổng sản lượng đến từ đảo Java. Tỉnh Đông Java là nơi sản xuất sầu riêng lớn nhất cả nước, với sản lượng lên tới hơn 480.000 tấn vào năm ngoái.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Indonesia đã kêu gọi nông dân trong nước trồng cây sầu riêng vì loại trái cây này đã trở thành một mặt hàng có giá trị. 5 năm trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi những người trồng cây cọ dầu trên khắp cả nước đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và trồng cây sầu riêng vì ông tin rằng sầu riêng có triển vọng tốt hơn trên thị trường quốc tế so với dầu cọ thô.