Năm 2024 thật sự ảm đạm với bóng đá Việt Nam. Vào tháng 4, tham vọng giành vé đến Olympic 2024 của U23 Việt Nam đã không thành khi dừng bước ở tứ kết VCK U23 châu Á 2024. Đến tháng 10, U20 Việt Nam tuột khỏi tay tấm vé tới VCK U20 châu Á 2025. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 Việt Nam không thể vượt qua vòng loại sau 6 kỳ liên tiếp 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 và 2023.
Dĩ nhiên, gây thất vọng hơn cả là ĐT Việt Nam với các thất bại liên tiếp, dẫn đến việc tụt xuống vị trí thứ 119 trên BXH FIFA. Khi đã thua quá nhiều, thậm chí người hâm mộ bỏ qua kỳ vọng về thứ bóng đá đẹp, chỉ hy vọng vào một trận thắng xấu xí. Đội tuyển cũng không còn mơ mộng về phong cách kiểm soát, tấn công chủ động, trở lại với lối đá phòng ngự nhằm mưu cầu chiến thắng.
Thế nhưng nó vẫn không xảy ra. Nếu tiếp tục gia tăng số trận thua lên nhiều hơn 9 trong 2 tháng cuối năm, 2024 sẽ trở thành năm ác mộng nhất với đội tuyển kể từ năm 1997 (thua 11 trận).
Trong bối cảnh đó, nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của mục tiêu lọt vào tốp 8 châu Á và giành quyền dự World Cup trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045. Liệu chúng ta có thể vươn tầm với những gì đang có?
Thật may, U17 Việt Nam không chồng chất thêm những thất vọng. Đội quân của HLV Cristiano Roland đã thành công trong việc giành vé tới VCK U17 châu Á 2025 . Hành trình của U17 Việt Nam không mấy ấn tượng, với chiến thắng duy nhất trước Myanmar và đi tiếp với tư cách một trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Trận hòa Yemen cũng vấp phải rất nhiều lời chỉ trích bởi những đường chuyền qua lại với rất ít ham muốn tấn công.
Tuy nhiên trong bóng đá, đôi khi kết quả biện minh cho phương tiện. Như HLV Roland nói, "quan trọng là có vé vào vòng chung kết, và "rất hạnh phúc khi hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng loại".
Nên nhớ rằng cách đây không lâu, U20 Việt Nam đã bị lên án vì không đủ thực dụng để giữ kết quả hòa, vốn đủ để giành vé tới VCK U20 châu Á 2025. Ở trận đấu với U20 Syria, vào những phút các học trò của HLV Hứa Hiền Vinh cố lao lên để tìm kiếm bàn thắng, họ bị phản đòn, sau đó nhận thất bại cay đắng vì pha đưa bóng về lưới nhà của Ngọc Chiến.
Nếu cần thêm ví dụ, thì đây, cũng trong loạt đấu cuối ở vòng loại U17 châu Á 2025, Indonesia và Australia đã tạo nên 90 phút nhàm chán, cuối cùng hài lòng với trận hòa 0-0. Họ không nhất thiết phải chơi hết mình, trở thành nô lệ của đam mê trong một trận đấu ít ý nghĩa.
Trong bóng đá luôn có cuộc tranh luận về hai trường phái, bóng đá đẹp tận hiến và phản bóng đá, tức bóng đá thực dụng chỉ coi trọng kết quả. Tuy nhiên, rất ít người hâm mộ có thể trả lời chính xác họ muốn gì hơn, một thất bại chính trực hay một chiến thắng xấu xí. Tất cả đều theo đuổi mục tiêu chiến thắng, và cách thắng thế nào cũng tùy thuộc vào góc nhìn.
Với U17 Việt Nam, họ không cần bận tâm quá nhiều đến những lời chỉ trích. Chỉ hy vọng rằng tấm vé vừa giành được sẽ trở thành động lực để Gia Bảo, Văn Bách, Việt Anh và những cầu thủ khác tiếp tục cố gắng, cải thiện bản thân. Chính HLV Roland cũng thừa nhận "còn nhiều điều phải làm để hoàn thiện lối chơi, và Ban huấn luyện đang làm việc mỗi ngày còn các cầu thủ ham học hỏi, cần cù, luôn cố gắng".
Vào năm tới tại VCK U17 châu Á 2025 ở Saudi Arabia, nếu U17 Việt Nam làm nên kỳ tích giành vé tới VCK U17 World Cup 2025 (chỉ cần vượt qua vòng bảng), sẽ không ai nhớ về những phút tẻ nhạt với Yemen. Và những người chỉ trích hôm nay cũng sẽ quên rất nhanh những đòi hỏi về "cách thức" để say sưa với "kết quả".
Trong chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030, lứa U17 hiện tại chính là những hạt nhân. Biết đâu chính họ sẽ biến những giấc mơ thành hiện thực.