Xuất hiện thông tin FIFA có thể đổi luật vì trận đấu của tuyển Indonesia, Việt Nam

Tiểu Lâm Mộc |

Truyền thông xứ Vạn đảo bất ngờ cho rằng FIFA có thể cân nhắc sửa luật bóng đá sau tranh cãi câu giờ ở vòng loại U17 châu Á 2025.

Tại vòng loại U17 châu Á 2025, cả U17 Indonesia lẫn U17 Việt Nam đều giành vé vào VCK theo kịch bản ít nhiều gây ra tranh cãi.

Ở trận đấu giữa U17 Việt Nam gặp Yemen, một số CĐV trên khán đài sân Việt Trì đã đứng dậy bỏ về khi chứng kiến các cầu thủ chỉ chuyền bóng qua lại bên phần sân nhà, không phát động tấn công trong phần lớn thời gian của hiệp 2. Cuối cùng, U17 Việt Nam hoàn thành mục tiêu cầm hòa Yemen để đi tiếp vào VCK. Sau trận, nhiều cư dân mạng đã chỉ trích cách đá “câu giờ” của các cầu thủ trẻ.

Tương tự thì 2 đội U17 Indonesia và Australia cũng chịu sự chỉ trích vì chiến thuật câu giờ sau màn chạm trán tối qua. Trong khoảng hơn 30 phút cuối trận, 2 đội này chỉ chuyền bóng qua lại, không bên nào tổ chức tấn công về phía đối phương bởi chỉ cần hòa là cả 2 đều chắc chắn đi tiếp. Sau trận, ngay cả HLV Nova Arianto cũng thừa nhận ông “xấu hổ” vì cách đá của các học trò nhưng U17 Indonesia buộc phải chấp nhận chơi không đẹp mắt hòng giành vé đi tiếp.

Trận đấu giữa Indonesia vs Australia bị chỉ trích vì 2 đội bị cho là cố tình câu giờ.

Đáng lưu ý, vào trưa 28/10, trang Okezone đưa ra bài viết cho rằng FIFA có thể cân nhắc thay đổi luật bóng đá vì những tranh cãi liên quan tới chiến thuật câu giờ ở vòng loại giải U17 châu Á.

Nhà báo thể thao người Indonesia Ramdani Bur cho rằng FIFA có thể sửa luật để giới hạn thời gian mỗi đội kiểm soát bóng phần sân nhà tương tự như môn bóng rổ. Ở môn bóng rổ, bất cứ khi nào 1 đội giành được quyền kiểm soát bóng sống trên sân, thì trong 24 giây phải ném rổ. Nếu không sẽ phạm luật 24 giây.

Trước đó, FIFA cũng từng chính thức đổi luật chuyền về sau trận chung Euro 1992. Trước trận đấu đó thì một thủ môn vẫn được phép đón đường chuyền của đồng đội và giữ bóng bao lâu tùy thích. Đội bị dẫn bàn không có cơ hội cầm bóng.

Trong trận chung kết Euro 1992, tuyển Đan Mạch bị chỉ trích vì chiến thuật có phần tiêu cực. Các cầu thủ của họ liên tục chuyền về cho thủ môn Peter Schmeichel. Sau khi nhận mỗi đường chuyền về, thủ môn này lại dùng tay giữ bóng vài giây nhằm câu giờ. Chính điều này đã thúc đẩy FIFA áp dụng quy định cấm thủ môn bắt bóng chuyền về.

Hành động câu giờ của Peter Schmeichel và các đồng đội đã khiến FIFA phải sửa luật bóng đá.

Nhìn chung, lập luận mà nhà báo người Indonesia đưa ra chỉ mang tính chất cá nhân, không có nhiều cơ sở ở thời điểm hiện tại. Tranh cãi mới nhất liên quan tới U17 Việt Nam và U17 Indonesia chỉ xuất hiện trong khuôn khổ vòng loại giải U17 châu Á. Phạm vi, mức độ ảnh hưởng của giải đấu này với bóng đá thế giới là rất nhỏ và những tranh cãi cũng không gây ra hậu quả gì đáng kể. Do vậy, việc FIFA có thể sửa luật bóng đá chỉ vì những tranh cãi nhỏ liên quan tới chiến thuật của U17 Việt Nam và Indonesia, là điều rất khó xảy ra.

Tiểu Lâm Mộc

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại