Nếu như sau Tết, các tuyến đường như Bắc Sơn, Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) được phủ trắng hoa ban, hay người dân đôi bờ sông Tô Lịch, đường Láng lại được ngắm hoa phượng nhuộm đỏ mỗi khi hè về, thì sau rét nàng Bân, người dân Đình Thôn (phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại được ngắm "bảo vật" của làng toả hương khoe sắc.
Cây hoa bún tại làng Đình Thôn (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, trở thành biểu tượng đặc trưng của làng
Cây cao chừng 30 mét, tán rộng sum suê làm nổi bật một góc làng. Nhiều người nói rằng cây đã có tuổi đời lên đến 300 năm
Cây hoa bún còn có tên gọi khác là Bạch hoa hay Màn Màn, là loại cây thân gỗ tán rộng, nở rộ nhiều nhất vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4
Ở các tỉnh miền Trung, cây hoa bún rất quen thuộc với người dân, nhưng tại Hà Nội thì chỉ có cây bún "độc nhất vô nhị" ở làng Đình Thôn, tạo nên điểm nhấn cho làng này
Bà Hoàng Thị Hoa (72 tuổi) kể rằng: Không biết chính xác cây bún có từ bao giờ, theo các cụ nói lại thì ước tính cây đã 300 năm tuổi. Từ thời bé, bà đã thấy cây sừng sững giữa làng Đình Thôn
"Mấy chục năm qua, diện mạo của làng Đình Thôn và cả thành phố đã thay đổi rất nhiều, duy có cây bún là vẫn vậy. Cứ đến mùa là khoe hương toả sắc. Cây bún đã in đậm trong tâm trí người dân nơi đây", bà Hoa nói
Cành lá khẳng khiu, cây bún vươn mình như 1 nhân chứng lịch sử với sự phát triển đi lên của làng
Gốc cây được rào sắt bảo vệ nghiêm ngặt, cây bún được coi như "bảo vật" của người làng Đình Thôn
Dưới gốc cây bún cổ xưa còn có một miếu thờ, tương tự như mỗi làng quê Việt Nam thường thờ dưới gốc cây đa. Cây bún như một biểu tượng linh thiêng của người dân nơi này
Ngồi dưới tán cây, nhấp ngụm trà và tận hưởng hương thơm dễ chịu của hoa bún đã trở thành cảm giác quen thuộc bao năm qua của người dân nơi đây