Ở trận gặp U23 Nepal, U23 Nhật Bản (thực tế là U21) chỉ mất 7 phút để có bàn mở tỷ số. Nhưng sau đó, đội bóng trẻ xứ Mặt trời mọc bế tắc, không ghi thêm được bàn thắng nào.
Điều này cho thấy, U23 Nepal đã chơi phòng ngự tốt trước đối thủ được đánh giá cao hơn nhưng ngược lại, nó cũng phơi bày một điều yếu cố hữu của U23 Nhật Bản: Tấn công kém.
Có một điều đáng lưu ý, cầu thủ ghi bàn cho U23 Nhật Bản hôm qua là Mitoma - một tiền vệ. Ngược về VCK U23 châu Á, U23 Nhật Bản thắng U23 Palestine 1-0 nhờ bàn thắng ở phút 20 của Itakura - một trung vệ. Sau đó, họ "tịt ngòi" dù áp đảo hoàn toàn đối phương.
Đến trận thứ 2, họ thắng U23 Thái Lan 1-0, nhờ bàn thắng ở phút 90 cũng của trung vệ Itakura. Trận này, U23 Thái Lan lép về hoàn toàn trước U23 Nhật Bản về tỷ lệ kiểm soát bóng nhưng không hề che đậy ý định tấn công, tức đội bóng xứ mặt trời mọc có rất nhiều khoảng trống để khai thác hàng thủ Thái Lan nhưng bất lực tới tận cuối trận.
Khả năng tấn công của U23 Nhật Bản đang gặp vấn đề.
Ở trận cuối vòng bảng, U23 Nhật Bản thắng U23 Triều Tiên 3-1, nhưng thực tế họ chỉ tự ghi được 2 bàn vì 1 bàn thắng cuối là đối phương đá phản lưới nhà. Trận này, cũng không tiền đạo nào ghi được bàn cho U23 Nhật Bản. Phút 32, trung vệ Yanagi mở tỷ số cho U23 Nhật Bản rồi phút 43, tiền vệ Miyoshi nhân đôi cách biệt.
Tại trận đấu loại trực tiếp sau đó, khi đụng độ U23 Uzbekistan, U23 Nhật Bản chơi lép vế, thua 0-4 và không ghi được bất cứ bàn thắng nào.
Có thể thấy, hàng công U23 Nhật Bản đang khủng hoảng thật sự và ghi bàn đang là điểm yếu của đội bóng này. Tất nhiên, việc hàng hậu vệ và tiền vệ của U23 Nhật Bản vẫn có thể lên tiếng, bù đắp cho sự yếu kém của hàng công cũng là vấn đề HLV Park Hang-seo cần lưu ý.
Nhìn chung, nhiều chuyên gia đều đánh giá U23 Việt Nam có cửa thắng U23 Nhật Bản và đấy không phải chuyện thiếu căn cứ. Tính riêng việc đối phương không dùng 3 suất hơn tuổi và chỉ toàn dùng các cầu thủ U21 đã là bất lợi so với U23+3 của Việt Nam.