Tuân thủ Chỉ thị 16 về phòng chống Covid-19, nhiều địa phương người dân thực hiện giãn cách chặt chẽ để truy vết, khoanh vùng dập dịch. Điều đó cũng dẫn đến thực tế là: điện sử dụng tại các cơ quan, công sở giảm thì điện tiêu thủ tại các hộ gia đình tăng mạnh.
Trong khi đó, thời tiết nhiều nơi vẫn còn oi nóng, nên nhu cầu sử dụng điều hòa thời gian dài là không tránh khỏi. Đặc biệt, với những gia đình có trẻ nhỏ, thời lượng sử dụng điều hòa vẫn rất cao - dù ai cũng biết một trong các lời khuyên 'kinh điển' về sử dụng điều hòa sao cho bền, tiết kiệm là không bật một chiếc điều hòa liên tục 24/24.
Khi sử dụng điều hòa với tần suất lớn, tình trạng phổ biến mà không ít người gặp phải là: bỗng nhiên độ mát giảm đi đáng kể, thậm chí có người còn gặp tình cảnh không còn thấy một "giọt mát" nào dù đã hạ nhiệt độ tối đa! Mà lại khổ nỗi, trong tình hình giãn cách xã hội, gọi được dịch vụ sửa chữa điều hòa không hề dễ dàng.
Trong trường hợp này, bạn đừng lo! Dưới đây là những bí kíp đơn giản cách xử lý điều hòa suy giảm chức năng làm mát, mà ai cũng có thể làm được.
Đầu tiên, hãy kiểm tra lại ngay điều khiển. Bởi biết đâu, trẻ con... bấm nghịch thì sao!
Như chúng ta đều biết, mọi thiết bị điều hòa cơ bản trên thị trường đều bao gồm: AUTO (tự động), COOL (làm lạnh), HEAT (làm nóng), DRY (Hút ẩm). Rất nhiều trường hợp, người dùng chuyển sai chế độ khiến cho điều hòa không được mát.
Qua vài lần làm "chuyên gia" sửa điều hòa cho nhà hàng xóm, mình từng gặp có trường hợp chuyển sang chế độ DRY. Chế độ này chỉ hạn chế độ ẩm nhất định trong phòng chứ không có chức năng chính làm mát!
Lí do nhiều người chọn chế độ này vì cho rằng nó tiết kiệm - tiết kiệm đâu không thấy chỉ thấy bực vào thân.
Nếu điều khiển hoàn toàn "vô tội", thì cần nghĩ ngay đến tấm lọc bụi - khả năng rất cao nó đã "mốc meo" rồi!
Tấm lọc bụi điều hoà có chức năng lọc bụi trong không khí trước khi đi qua dàn lạnh và quạt dàn lạnh. Sau một thời gian sử dụng tấm lọc này sẽ bị bụi trong không khí bám vào ảnh hưởng tới lượng gió điều hòa phả ra.
Bụi bám lên tấm lọc dày cả tảng sau một thời gian sử dụng. Ảnh: lamthenao
Vệ sinh tấm lọc bụi là kiến thức cơ bản mà hầu như ai cũng có thể làm được. Sau đây là 3 bước vệ sinh.
Bước 1: Tháo mặt nạ điều hoà
Lưu ý: Trước khi thực hiện phải ngắt nguồn điện của điều hòa để đảm bảo an toàn
Mỗi loại điều hòa sẽ có chỗ đặt tấm lọc bụi khác nhau, nhưng có hai vị trí dưới đây mà các bạn cần lưu tâm:
- Tấm nhựa ốp ở phía trước của máy lạnh, nếu tấm lọc bụi nằm ở vị trí này các bạn chỉ cần nhấc tấm ốp đó lên rồi lấy tấm lọc ra ngoài.
- Một số máy lạnh sẽ để màng lọc ở ngay trên đỉnh máy, các bạn chỉ cần thò tay móc ra là được.
Khi tháo mặt nạ cần chú ý xem quanh đó có lỗ đinh nào không, không tự cố tháo tấm mặt nạ khi chưa tháo bỏ hoàn toàn đinh ốc dẫn đến hiện tượng méo, gãy tấm nhựa mặt nạ.
Khi thực hiện, các bạn nhớ đeo khẩu trang vào nhé. Ảnh:PMC
Bước 2: Tẩy sạch bụi trên tấm lọc
Sau khi tháo tấm lọc bụi xuống, các bạn hãy ngâm chúng vào trong nước xà phòng loãng ( tranh sử dụng các loại xà phòng vệ sinh có tính tẩy mạnh). Sau đó dùng miếng rửa bát hoặc giẻ mỏng để lau sạch phần mảng bám trên tấm lọc.
Sử dụng vòi xịt áp suất cao để vệ sinh là tốt nhất. Ảnh:PMC
Đối với những tấm lọc có nhiều mắt nhỏ, các bạn nên sử dụng vòi xịt có áp suất cao để đánh bay mọi bụi bẩn trên tấm lọc. Sau khi vệ sinh sạch sẽ các tấm lọc, các bạn đem chúng đi phơi, khi tấm lọc sạch sẽ các bạn chỉ cần lắp lại vào điều hòa là xong rồi đó.
Vệ sinh mặt nạ bằng khăn ẩm nhé. Ảnh:PMC
Đừng quên sử dụng khăn ẩm để lau phần sau của tấm lọc nhé. Ảnh:PMC
Bước 3: Lắp tấm lọc vào vị trí cũ, hoàn tất quá trình vệ sinh
Lắp tấm lọc vào vị trí cũ theo đúng thứ tự. Ảnh:PMC
Sau khi thực hiện xong công đoạn cuối cùng này, các bạn hãy bạt máy lên và tận hưởng thành quả nào, hiệu quả sẽ làm bạn kinh ngạc đấy.
Lưu ý: Đối với những trường hợp như: điều hòa hết gas, máy nén bị hỏng, hỏng tụ điện. Nếu không có kinh nghiệm, các bạn nên gọi thợ sửa điều hòa chuyên nghiệp, tránh tình trạng cháy nổ, điện giật.