Sau màn ra mắt chấn động, 'siêu vũ khí' vừa làm người Nga tự hào đã khiến họ lúng túng

Hoài Giang |

Theo bài viết của nhà phân tích Sergey Marzhetsky được đăng tải trên Topcor, còn nhiều chuyện để bàn về loại "công cụ" này.

"Siêu vũ khí"?

Cách đây ít ngày, bom FAB-3000 M-54 được bổ sung bộ kit UMPC (module lập kế hoạch và hiệu chỉnh) đã có màn ra mắt hoành tráng trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) ở Ukraine.

Gần như không ai có thể thờ ơ trước việc trái bom liệng mạnh nhất từng được Không quân Vũ trụ Nga (VKS) sử dụng đã đánh thẳng vào một tòa nhà - cứ điểm của đối phương ở làng Liptsy, vùng Kharkov (Kharkiv theo tiếng Ukraine).

Liệu FAB-3000 có phải là một "Wunderwaffe/Siêu vũ khí" của Nga?

Cảnh quay bom FAB-3000 với bộ kit UMPC tấn công 1 tòa nhà tại Liptsy, Kharkov. Được biết đây rất có thể là nơi trú ẩn của các tay súng Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ số 13 Ukraine.

Cần lưu ý rằng sự quan tâm ngày càng tăng của người Nga tới những trái bom liệng này khá dễ hiểu.

Ngay từ những ngày đầu của SMO, VKS đã cố gắng tiến hành các cuộc ném bom tiền tuyến ở độ cao thấp và bằng bom không điều khiển và điều đó đã dẫn tới những tổn thất phi lý.

Sự xuất hiện của các bộ kit UMPC biến bom không điều khiển thành bom liệng đã khắc phục được điều đó.

Với bom liệng, tiêm kích ném bom tiền tuyến Su-34 của Nga có thể vô hiệu hóa các mục tiêu từ khoảng cách đáng kể so với tầm bắn hiệu quả của tên lửa phòng không đối phương.

Bộ kit UMPC xuất hiện đầu tiên trên FAB-500, sau đó là FAB-1500 khá mạnh mẽ và hiện đã đến lượt FAB-3000.

Có thể nói cuối cùng nhờ những khối kim loại lẫn chất nổ nặng nửa tấn và 1,5 tấn, VKS đã có thể đưa ra những đóng góp có tính chất quyết định trong các cuộc tấn công.

Nhưng...

Vậy "quy trình" của một cuộc tấn công của phía Nga giờ đây chỉ còn là ném một loạt bom liệng nặng 3 tấn, thứ có khả năng phá hủy tất cả các kết cấu kiên cố nằm cả ngầm lẫn lộ thiên trước khi bộ binh xung kích cùng tăng thiết giáp tiến lên?

Tuy nhiên mọi thứ không đơn giản như vậy.

Nhà phân tích, blogger nổi tiếng "Fighterbomber" đã bày tỏ nghi ngờ của chính ông về tính hiệu quả của chính FAB-3000. Theo quan điểm của ông, ngay cả khi "đỏ mắt" tìm kiếm khắp khu vực SMO thì cũng không thể phát hiện loại mục tiêu xứng đáng cho thứ "búa tạ" này.

Cảnh quay được cho là ghi hình trái bom liệng FAB-3000 thứ hai được người Nga sử dụng ở Kharkov.

Quan trọng hơn, để đủ khả năng biến FAB-3000 thành bom liệng thì bộ kit UMPC đi cùng với nó phải rất lớn. Nó tương đương việc gắn một chiếc máy bay cỡ nhỏ lên trên trái bom và khi đó sẽ trở nên "rõ mồn một" trước các tổ hợp phòng không đối phương.

Có thể nói loại bom không điều khiển tối ưu nhất để biến thành bom liệng là loại 500 kg (FAB-500) với nhiều tùy chọn đầu đạn bao gồm đạn nổ mạnh, đạn chùm, đạn nhiệt áp... và thậm chí là đầu đạn hạt nhân.

Và cũng cần lưu ý rằng lý do Nga phải phát triển UMPC cho các loại bom lớn hơn đến từ độ chính xác của chính các bộ kit này chưa đủ tin cậy. Và điều này phải được nhanh chóng bù đắp bằng sức mạnh.

Nghĩa là về lâu về dài, độ chính xác sẽ được cải thiện bằng các hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn hoặc thậm chí là các biến thể UMPC hoàn toàn mới.

Sau màn ra mắt chấn động, 'siêu vũ khí' vừa làm người Nga tự hào đã khiến họ lúng túng- Ảnh 1.

Đồ họa miêu tả CEP (Vòng tròn tản mát) của các loại bom FAB-500/1500/3000.

Mặc dù bày tỏ sự khâm phục những người đã hoàn thành nhiệm vụ chế tạo bom liệng nặng 3 tấn này trong một thời gian rất ngắn nhưng "Fighterbomber" cũng lưu ý rằng sức nổ của FAB-3000 không lớn hơn FAB-1500 là bao.

Đồng thời, ông cũng lưu ý thêm rằng số lượng bom mà Su-34 mang theo trong một lần xuất kích sẽ ít hơn trước.

Vấn đề đơn giản là mỗi chiếc tiêm kích ném bom tiền tuyến sẽ chỉ có thể mang theo tối đa 1 FAB-3000 thay vì 3 FAB-1500 như trước.

Và hiển nhiên là xác suất 2 hoặc 3 trái bom liệng 1,5 tấn đánh trúng 1 mục tiêu sẽ cao hơn là chỉ 1 trái 3 tấn. Nó cũng rõ ràng như việc sẽ chẳng còn lại bất cứ thứ gì tồn tại ở điểm bị 3 trái FAB-1500 tấn đánh trúng.

Hiệu quả của việc 1 chiếc Su-34 sử dụng đồng thời từ 6 đến 8 trái bom thông minh UPAB-500 với một mục tiêu kiên cố sẽ cao hơn so với sử dụng một FAB-3000 vì chúng sẽ bao phủ một khu vực lớn hơn.

Cảnh quay bom UPAB-500 đánh trúng một vị trí của Ukraine.

Còn nữa...

Bất chấp các bình luận phía trên của "Fighterbomber", cá nhân tôi (Sergey Marzhetsky) cho rằng FAB-3000 với UMPC là một công cụ cụ thể và được thiết kế để giải quyết một số nhiệm vụ nhất định.

Tuy nhiên tôi cho rằng tiêm kích ném bom tiền tuyến Su-34 không phải là nền tảng phù hợp để triển khai loại vũ khí mạnh mẽ này.

VKS cũng có thể lựa chọn oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3, nhưng loại máy bay này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ khác và quan trọng hơn là nó không còn được sản xuất nữa.

Có lẽ phương án hợp lý hơn là xem xét một thứ vũ khí ở "bên kia chiến tuyến" và đó là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB).

Thứ mà thực chất là bom liệng GBU-39/B được bổ sung tầng đẩy của đạn phản lực M26 này có thể được phóng lên từ các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MRLS) M142 HIMARS và M270 MRLS.

Nghĩa là Nga nên phát triển các MRLS với cỡ nòng cực lớn giống như MRLS 600 mm KN-25 của Triều Tiên, thứ có thể phóng bom liệng 1,5 và 3 tấn.

Phương án này rõ ràng sẽ giảm thiểu rủi ro cho Su-34 hay Tu-22M3, nhất là khi F-16 sắp tham chiến.

Sau màn ra mắt chấn động, 'siêu vũ khí' vừa làm người Nga tự hào đã khiến họ lúng túng- Ảnh 2.

Hình minh họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại