Sau lệnh cấm, sim rác vẫn sống khỏe

Trung Hiếu |

Sau thời điểm ngày 21/11/2016, theo cam kết với Bộ Thông tin - Truyền thông, các nhà mạng phải triển khai khóa sim đã kích hoạt sẵn trên thị trường. Dù đã ba tháng sau lệnh cấm và thu hồi sim rác song số lượng sim tồn tại ngoài thị trường vẫn không phải là ít, thậm chí còn được bày bán công khai và rất dễ dàng mua.

Biết nhưng vẫn "nhắm mắt" mua

Con phố Nguyễn Thái Học và Kim Mã (Hà Nội) từng là hai điểm nóng lưu hành sim rác trên thị trường.

Trước thời điểm mà Bộ Thông tin- Truyền thông (TTTT) quyết định “ra tay” mạnh mẽ, người mua có thể dễ dàng tìm mua một chiếc sim trên hai con phố này mà không cần trải qua quá trình đăng ký thông tin cá nhân. Ở thời điểm hiện tại, dù số lượng không còn nhiều như trước song khách hàng vẫn có thể mua sim tại hai con phố này.

Theo ghi nhận của PV, trước lệnh cấm, giá của một chiếc sim rác rẻ hơn, thường dao động từ 50.000-100.000 đồng. Thời điểm hiện tại, sim rác đã đội giá lên gấp đôi và người mua buộc phải chấp nhận bỏ ra khoản tiền này nếu muốn mua sim mà không cần phải khai thông tin cá nhân.

Dẫu vậy, nhiều người vẫn chấp nhận bởi mua một chiếc sim rác đã kích hoạt thường rẻ hơn so với việc phải đăng ký chính chủ và nạp tiền vào để sử dụng.

Núp bóng dưới những đại lý bán thẻ điện thoại nằm ngay trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội), khi PV hỏi mua sim ngay lập tức đã mua được một chiếc sim với số tài khoản nhất định hoặc có sẵn dung lượng dữ liệu di động. Tùy vào từng nơi bán mà giá của một chiếc sim sẽ có sự chênh lệch khác nhau.

Cụ thể, một cửa hàng trên phố Hàng Cót (Hà Nội) bán một chiếc sim 3G của nhà mạng Vinaphone có giá từ 100.000 đồng sẽ có thêm 4.8Gb dữ liệu sử dụng, còn trên phố Nguyễn Thái Học thì sẽ có giá 170.000 đồng tương đương với 9Gb dữ liệu di động.

Nếu như trước đây, chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng là khách hàng sẽ có thể mua được một chiếc sim 3G Vinaphone với dung lượng dữ liệu là 10Gb. Dù giá tăng gấp đôi, nhiều người vẫn chấp nhận đi tìm mua sim rác, hoặc dùng một lần rồi vứt bỏ bất chấp những rủi ro như việc thời gian sử dụng ngắn hoặc có thể bị khóa số bất kỳ lúc nào.

Sau lệnh cấm, sim rác vẫn sống khỏe - Ảnh 1.

Dễ dàng mua được một chiếc sim rác như thế này tại các đại lý. Ảnh: T.Hiếu

Chiêu trò quen thuộc

Theo tìm hiểu của PV, đặc điểm của những chiếc sim này thường có thời hạn sử dụng ngắn bởi đã được kích hoạt từ lâu mà chưa bị thu hồi bởi các nhà mạng. Chính vì lẽ đó mà các cửa hàng sẽ gợi ý cho khách hàng nạp một khoản tiền nhỏ vào để kéo dài thời gian sử dụng.

Hoặc cũng chính những chiếc sim này chỉ cần phát sinh sử dụng như cuộc gọi, tin nhắn hay dữ liệu di động thì cũng ngay lập tức được gia tăng thêm thời hạn.

Chính vì lẽ đó, nhiều đại lý vẫn tìm ra những kẽ hở để buôn bán và kích hoạt sim rác. Chiêu trò quen thuộc nhất vẫn chính là khai man thông tin cá nhân, sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký sim.

Đã từng bị lợi dụng thông tin cá nhân để kích hoạt sim rác, bà Phạm Thanh Huyền (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: “Vào tháng 12 năm 2016, khi tôi ra đại lý của Viettel để làm lại sim thì mới vỡ lẽ ra là chứng minh thư của mình được đăng ký sử dụng tới tận 3 số nữa, mà điều đáng nói là tôi chẳng biết số đấy là số nào”.

Những trường hợp lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký và kích hoạt sim rác vẫn đang diễn ra.

Chính vì vậy, nếu người mua tiếp tục "tiếp tay" cho sim rác, trong khi các nhà mạng không thực hiện triệt để việc thu hồi sim đã kích hoạt thì sim rác vẫn sẽ "sống khỏe" trên thị trường. Điều này cũng đòi hỏi cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại