Sâu lắng những tuyệt phẩm của người thổi hồn vào gỗ Tây Nguyên

PHỐ NHƠN |

“Mỗi tác phẩm nghệ thuật của tôi ngoài yếu tố đẹp còn mang trong mình một cái “hồn”. Cái “hồn” ở đây đơn giản chỉ là mang theo hơi thở của cuộc sống vào mỗi tác phẩm làm cho nghệ thuật gần gũi với con người hơn. Và nếu có thể, nghệ thuật còn giúp con người ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn”, anh Trần Đức Vinh (SN 1974, ở tổ 11, phường Hội Phú, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) mở đầu câu chuyện.

Những tác phẩm làm thức tỉnh lòng người

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ, anh Vinh đã xin cha mẹ vào chùa học chữ, học kinh từ các sư thầy.

Nhiều người khi đến viếng chùa thường lấy tay sờ lên đầu một khúc gỗ đặt phía trước, rồi lại vuốt lên đầu mình một cách thành kính.

Từ đó, anh nghĩ trong gỗ có hồn và nung nấu ý định thực hiện cho được một bộ sưu tập với mong muốn giữ lại hồn của gỗ, giữ lại một chút thiêng liêng của đại ngàn.

Trong không gian “Hồn gỗ” có phần chật hẹp này, chúng tôi sớm bị lôi cuốn bởi bộ sưu tập “Mẹ ơi”. Theo anh Vinh, đây là bộ sưu tập mà anh cảm thấy tâm đắc nhất và cũng là bộ sưu tập đầu tiên anh thực hiện. Nó bắt đầu từ năm 2000.

Bộ sưu tập này anh sáng tác là để dành cho chính người mẹ thân yêu của mình. Bộ sưu tập có tổng cộng 9 tác phẩm đã tái hiện chi tiếc từng giai đoạn trong cuộc đời của người mẹ.

Tác phẩm thứ nhất và thứ hai mô tả lại cảnh người mẹ vui sướng chào đón đứa con của mình đến với cuộc đời này sau hơn 9 tháng mang nặng đẻ đau. Rồi kể từ khi có con, cuộc sống của mẹ trở nên thật ý nghĩa.

Tuy nhiên, từ đây vai mẹ cũng nặng hơn với những nỗi lo về cơm áo, gạo tiền. Đến khi con cái trưởng thành tự đi tìm cuộc sống, hạnh phúc riêng của bản thân mình đã vô tình quên đi hình ảnh người mẹ cô độc ngày ngày vẫn ngồi đó nguyện cầu cho các con ở phương xa luôn được bình yên, hạnh phúc.

Rồi khi những người con nhận ra họ có tất cả những gì mình mong ước trong cuộc sống thì cũng là lúc họ mất đi thứ quý giá nhất của cuộc đời mình, đó là mẹ.

Tương tự như bộ sưu tập “Mẹ ơi”, tác giả cũng dành tất cả tâm tư tình cảm khắc họa lại cuộc đời cũng như công lao to lớn của người cha.

Bộ sưu tập này được anh Vinh cho ra mắt với cái tên “Tình cha”. “Cũng giống như mẹ, công lao của người cha đối với con cái là vô cùng to lớn và không gì có thể đong đếm được.

Tuy nhiên, tình thương cha dành cho con không ồn ào, sôi nổi như mẹ mà nó luôn âm thầm, sâu lắng”, anh Vinh tâm sự.

Nếu mẹ luôn là nơi để các con tìm về mỗi khi mệt mỏi, thất bại trong cuộc sống thì cha lại là điểm tựa vững chắc, là người cho ta những lời khuyên chân thành, ý nghĩa nhất mỗi khi ta vấp ngã. Trong bộ sưu tập của mình, tác giả đã mô tả lại một cách sinh động cuộc đời của người cha.

Tất cả vì tương lai của các con, cha sẵn sàng hy sinh tấm thân mình để che chở đời con trước những cám dỗ, sóng gió cuộc đời. Dù vất vả đến đâu thì ánh mắt của cha vẫn nhìn con đầy trìu mến và đong đầy hy vọng.

Thật không quá khi tác giả khẳng định rằng cha mẹ chính là hai vị Phật nhưng không bao giờ ngồi trên tòa sen.

Có lẽ khi tận mắt chứng kiến những tác phẩm cũng như lời giới thiệu của anh Vinh về hai bộ sưu tập “Mẹ ơi” và “Tình cha”, rất nhiều người sẽ có chung cảm xúc đó là nhớ về cha mẹ mình.

Cái cảm xúc tưởng như đơn thuần nhưng chúng ta đã vô tình lãng quên, thậm chí có người đánh mất chỉ vì mải miết cuốn theo cuộc sống. Hai bộ sưu tập trên thật sự đã làm thức tỉnh tình cảm gia đình trong mỗi con người.

Gửi hơi thở cuộc sống vào thân gỗ mục

Anh Vinh không chỉ muốn những tác phẩm là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của riêng mình mà nó còn phải mang hơi thở của cuộc sống, phục vụ đời sống. Vấn đề đầu tiên được anh Vinh chọn để phản ánh là nạn phá thai.

Có thể nói, đây là một vấn nạn đang bị cả xã hội lên án nhưng vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Trong bộ sưu tập “Nỗi lòng thai nhi”, tác giả tập trung phác họa hình ảnh những thai nhi vô tội không có cơ hội đến với cuộc sống này khi sớm bị cha mẹ chúng ruồng bỏ.

“Nói đến phá thai người ta dễ dàng đổ lỗi cho người mẹ, nhưng đứa trẻ chính là giọt máu của người cha. Vì thế trong các tác phẩm của mình, tôi đã tập trung phác họa hình ảnh những thai nhi bị chối bỏ về xin cha để được làm người, được nằm trong vòng tay yêu thương của người cha.

Cạnh bộ sưu tập tôi có chép hai câu thơ: “Cha phụ bạc mẹ để con thành người không có bố/ Nay mẹ lại đành lòng chối bỏ tình mẫu tử thiêng liêng”. Đó tựa như tiếng oán than của các bào thai”, anh Vinh tâm sự.

Là một người con của đại ngàn Tây Nguyên, anh Vinh luôn tự hào là vùng đất được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi với những cánh rừng bất tận.

Thế nhưng, nhìn những đàn voi một thời là biểu tượng của đại ngàn nay đành phải dời đi nơi khác với ánh mắt lưu luyến, anh Vinh đã cho ra đời bộ sưu tập mang tên “Về đâu”.

Trong tác phẩm này, chú voi đầu đàn đang dẫm những thành viên trong đàn di dời từ một khu rừng trơ trọi không còn khả năng sinh tồn đến một vùng đất mới.

Tuy nhiên, ánh mắt nó đang rất phân vân, nửa như muốn rời xa nơi mình đã gắn bó lâu nay, nửa như bản thân nó không biết đi về đâu nữa. Theo sau nó là một chú voi con với ánh mắt ngơ ngác như cất tiếng hỏi: “Mẹ ơi! Chúng ta đi về đâu bây giờ?”.

Ngoài ra, anh Vinh cũng sở hữu cho mình một bộ sưu tập “Phật pháp” khá đa dạng. Với tác giả, phật pháp là khoa học, là giáo dục con người sống sao cho tốt hơn, chứ không phải là cuồng tin, si mê một cách mù quáng.

Một câu nói khiến cho anh Vinh rất tâm đắc, đó là: “Áo cà sa không làm nên thầy tu”. Phật là ở trong tâm mọi người. Vì thế, mỗi một con người hãy làm việc thiện thì lòng sẽ thanh thản, sẽ thấy mình thoát tục.

Theo anh Vinh, muốn có những tác phẩm như ý thì phải tìm được những người thợ giỏi có thể truyền lại ý tưởng nghề nghiệp của mình. Nếu là thợ sắc sảo về thú thì chọn để tạc thú, còn thợ sắc sảo về người thì chọn để tạc người…

Tóm lại, để có một tác phẩm là cả một quá trình công phu. Từ những mảnh gỗ lũa sần sùi, được cọ rửa, xử lý hóa chất, nhìn ngắm, phác họa ý tưởng, rồi việc tìm thợ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, có hồn là việc làm không dễ.

Điều này đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc và cả niềm đam mê, sáng tạo. Và điều đặc biệt là hơn 200 tác phẩm trong không gian “Hồn gỗ” chỉ để chiêm ngưỡng, không bán hay kinh doanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại