Hậu cung ba nghìn giai lệ! Tuy 3.000 chỉ là con số ước lệ tượng trưng, hầu như chưa có vị Hoàng đế nào đạt được, nhưng số lượng hậu phi thực tế đương nhiên không ít. Vậy vấn đề là, số phi tần này sẽ ra sao sau khi Hoàng đế băng hà?
Tân Hoàng đế lên ngôi, hậu cung phải nhường chỗ cho người mới. Cho phi tần đời Hoàng đế trước về quê? Điều này không thể xảy ra vì đã là người của Hoàng đế thì cả đời thuộc về ngài. Song không thể để họ mãi sinh sống trong cung, bởi lẽ hoàng cung dù có rộng lớn đến đâu cũng có giới hạn nhất định. Do đó, triều đình Trung Quốc xưa đã có những biện pháp như sau:
1. Tiếp tục làm phi tần nếu được tân Hoàng đế sủng ái
Phần lớn các phi tần đều là mỹ nhân xinh đẹp được tuyển chọn từ khắp thiên hạ. Bản thân các phi tần sống trong cung đều không phải động tay động chân làm việc gì, chỉ lo chăm chút nhan sắc. Do đó việc phi tần của Hoàng đế đời trước nhận được sủng ái của tân Hoàng đế cũng là chuyện có thể xảy ra. Chỉ là trường hợp này thường phát sinh đối với những phi tần trẻ tuổi nhiều hơn.
Có người nói “vợ lẽ” của Hoàng đế đời trước chính là mẹ kế của Hoàng đế đời sau. Điều này không hoàn toàn đúng. Vì hai đời Hoàng đế này chưa chắc có chung dòng máu. Chỉ cần vị phi tần đó chưa được thị tẩm thì trường hợp này cũng có thể xảy ra.
2. Để phi tần xuất gia, quy y cửa Phật
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là đảm bảo tiết tháo của những phi tần, giữ trọn trinh tiết vốn dĩ thuộc về Hoàng đế đã băng hà.
Thêm vào đó, họ sống trong các ngôi chùa nên tiết kiệm không gian cho hoàng cung. Sống ở chùa, nhiều người có thể sinh hoạt chung một phòng. Song xuất gia không phải là chuyện dễ dàng đối với phi tần đã quen với sự phục vụ trong cung cấm. Tuy nhiên, họ không cần phải lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc, cả đời có thể an bình sống qua ngày, tu thân tích đức.
3. Canh giữ lăng mộ
Phương pháp này khá tàn nhẫn đối với phi tần vốn được chiều chuộng trong cung. Bởi lẽ canh giữ lăng mộ mặc dù trên bản chất họ chỉ có cần có mặt và ngồi một chỗ, không cần phải làm gì nặng nhọc, nhưng phải hít thở trong không gian của người chết quả thực ít ai chịu nổi. Nhiều phi tần thà rằng xuất gia chứ nhất quyết không chịu đi giữ lăng. Tuy nhiên ở nhiều trường hợp, phi tần không có sự lựa chọn, mà phải phụ thuộc vào quyết định của hoàng thất và mong muốn của Hoàng đế trước lúc băng hà.
4. Tuẫn táng
Phương pháp thứ tư, cũng là loại tàn khốc nhất, gọi là tuẫn táng.
Theo quan niệm xưa ở Trung Quốc, con người ở thế giới này sau khi chết sẽ sang thế giới khác. Vì thế hệ thống lăng mộ cổ đã ra đời. Hoàng đế là sự tồn tại tối cao thời bấy giờ, sau khi băng hà cũng phải mang theo nhiều thứ để phục vụ cho cuộc sống của mình ở thế giới bên kia. Trong đó vật bồi táng chủ yếu là tiền tài của cải và phi tử.
Trong quan niệm phong kiến, phụ nữ chỉ là món đồ kèm theo của đàn ông, đặc biệt là Hoàng đế. Họ có tính sở hữu cao hơn, vì vậy khi họ chết thì những người phụ nữ ấy cũng phải chết theo để đồng hành cùng họ. Do đó, ngoại trừ một số phi tần có ân sủng hoặc đã có con, những người còn lại thường được chôn cất cùng Hoàng đế.
Đương nhiên đang sống mà tự nhiên phải chết, hầu như không phi tần nào đồng ý với việc này. Nhưng ý kiến của họ không có sức nặng, dù không muốn cũng bị bắt làm theo. Binh lính kéo họ vào lăng tẩm một cách thô bạo và chặn lối đi. Không khí trong lăng cạn dần, các phi tần bị ngạt thở và chết đi, trở thành những bộ xương ở mãi cùng Hoàng đế qua hàng nghìn hàng trăm năm.
5. Cho một chỗ trong cung để "tự sinh tự diệt"
Không ít phi tần có thể thoát khỏi số phận bi thảm bị tuẫn táng và sống đến già trong cung cấm nguy nga, chỉ có điều đãi ngộ không được như trước mà thôi.
Ở một số triều đại, địa vị của các phi tần có sự biệt rất lớn. Những phi tần có địa vị cao, thậm chí là có công với triều đình, đương nhiên được hưởng đãi ngộ xứng đáng.
Nếu phi tần sinh được con trai, đứa trẻ cố gắng trở thành quan hoặc hoàng tử được Hoàng đế tại vị tin tưởng thì cuộc sống của phi tần đó chắc chắn thoải mái rất nhiều.
Nguồn: Sohu