Với thể thao Việt Nam, SEA Games luôn là đấu trường tiềm ẩn rất nhiều bất ngờ mà từ các HLV, VĐV lẫn người hâm mộ đều khó có thể hình dung ra.
Ngoài việc đánh rơi những tấm HCV theo nhiều kịch bản khác nhau, đoàn Việt Nam lại gặt hái những thành tích Vàng gây ngỡ ngàng cho cả khu vực ĐNÁ.
Nhân vật đầu tiên có thể kể tới là trường hợp của kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn. Dù mới lần đầu tiên tham dự SEA Games nhưng Kim Sơn lại gây địa chấn khi giành HCV, phá kỷ lục nội dung 400m hỗn hợp.
Đợt bơi chung kết nội dung này diễn ra vô cùng kịch tính. Kim Sơn không được đánh giá cao và anh cũng khởi đầu khá chậm chạp khi không có mặt trong tốp 3 ở 250m đầu.
Nhưng ở 50m tiếp theo (bơi ếch), Kim Sơn bất ngờ vượt lên lọt vào tốp 3, rồi sau đó tăng tốc ở 100m cuối (bơi tự do) để qua mặt hai VĐV Indonesia và Singapore và đoạt HCV với thành tích 4 phút 22 giây 12.
Không những vậy, kình ngư trẻ 15 tuổi còn phá kỷ lục của VĐV người Thái Lan là Ratapong Sirisanont lập được cách đây 14 năm (4 phút 23 giây 20).
Sau cú sốc, Nguyễn Hữu Kim Sơn trở thành kình ngư trẻ nhất của bơi Việt Nam giành HCV ở một kỳ SEA Games khi mới 15 tuổi.
Kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn phá kỷ lục SEA Games ở tuổi 15.
Gây bất ngờ không kém là lực sĩ trẻ Trịnh Văn Vinh ở môn cử tạ. So với tên tuổi gạo cội Thạch Kim Tuấn thì Văn Vinh lại là VĐV chẳng hề có chút "số má" trước khi lên đường sang Malaysia. Song rốt cục, chính Vinh mới là người chói sáng chứ không phải Kim Tuấn.
Trận chung kết cử tạ hạng 62kg diễn ra vô cùng kịch tính, Trịnh Văn Vinh xuất sắc giành HCV rồi phá luôn 2 kỷ lục SEA Games gồm kỷ lục cử đẩy (172kg - kỷ lục cũ là 167kg do vận động viên người Indonesia Eko Yuki Irawan thiết lập) và tổng cử 307kg (kỷ lục cũ là 304kg).
Trước chung kết, đối thủ Eko Yuki Irawan là ứng cử viên sáng giá cho tấm HCB bởi anh từng giành HCB Olympic. Ngược lại, Văn Vinh chỉ là cái tên vô danh.
Lực sĩ trẻ Văn Vinh gây sốc khi phá 2 kỷ lục SEA Games.
Trong phần thi đấu cử giật, Eko Yuki Irawan liên tục nâng mức tạ và tự phá kỷ lục SEA Games của chính mình tới 2 lần. Kết thúc cử giật, Eko Yuki Irawan dẫn đầu với mức tạ 140kg, trong khi Văn Vinh xếp sau với mức tạ 135kg.
Trong phần cử đẩy, Eko Yuki Irawan đạt tổng thành tích 306kg sau 3 lần cử và đội Indonesia đã chuẩn bị ăn mừng, nhưng màn đẩy tạ ngoạn mục của Vinh đã khiến họ sững sờ.
Văn Vinh xuất sắc đẩy thành công mức tạ 172kg ngay trong lần thứ 2, nâng mức tổng cử của anh lên 307kg, và bất ngờ giật tấm HCV tưởng như đã nằm chắc trong tay Eko Yuki Irawan.
Cơn địa chấn khác của đoàn TTVN xảy ra ở môn Điền kinh với nhân vật chính là Bùi Văn Đông, nhà vô địch SEA Games 29 từ suất vé vớt. Đây là lần đầu tiên Đông tham dự ngày hội thể thao ĐNÁ.
Ở chung kết nhảy xa nam có 11 VĐV góp mặt, với 2 VĐV Việt Nam là Bùi Văn Đông và Nguyễn Tiến Trọng.
Với phong độ chói sáng, Bùi Văn Đông qua 6 lượt nhảy đã đứng đầu với thành tích vượt trội là 7m83, đoạt luôn HCV trong khi người đồng đội Tiến Trọng chỉ xếp hạng 5 với 7m53.
Chi tiết bất ngờ nhất là ở chỗ Bùi Văn Đông chỉ được bổ sung vào thành phần đội điền kinh chuẩn bị SEA Games 29-2017 ở tháng 7 sau khi đạt kết quả tốt tại Giải điền kinh TPHCM mở rộng.
Lúc đó, Văn Đông được bổ sung gấp theo diện "vé vớt" và dù có thời gian tập huấn quá ngắn nhưng cuối cùng anh lại gây sốc khi giành HCV trong sự ngỡ ngàng của chính ban huấn luyện điền kinh Việt Nam.
Bùi Văn Đông được dự SEA Games theo dạng "vé vớt".
Bất ngờ tiếp theo thuộc về VĐV Lê Thanh Tùng với tấm HCV xà đơn môn TDDC. Trước khi dự SEA Games, Thanh Tùng không phải là cái tên quá xa lạ với làng TDDC Việt Nam. Tuy nhiên, việc anh lên ngôi ở nội dung xà kép lại là chuyện hoàn toàn trái ngược.
Sau HCV nhảy chống, Thanh Tùng gây bất ngờ rất lớn ở nội dung xà kép. Đây là sở trường của Đinh Phương Thành, nhưng cuối cùng Phương Thành chỉ có HCB còn HCV lại thuộc về Thanh Tùng, dù xà kép được Thanh Tùng xác định chỉ thi cho vui.
Bản thân HLV Trương Minh Sang còn tỏ ra vô cùng bất ngờ với tấm HCV xà kép của cậu học trò. Ông khẳng định đây hoàn toàn là kết quả nằm ngoài dự tính của ban huấn luyện.
Thanh Tùng không biết mình đã làm gì để giành HCV xà kép.
Thậm chí ngay chính Thanh Tùng cũng vô cùng ngỡ ngàng và còn một mực khẳng định rằng đồng đội Phương Thành mới là người thi đấu xuất sắc hơn ở nội dung này.
Thanh Tùng tâm sự: "Tôi cũng không biết mình vừa làm gì để giành được HCV, kết quả này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi. Trước đây tôi chưa từng có huy chương khi thi đấu nội xà kép".
Một trường hợp đặc biệt khác cần nhắc tới đó là chức vô địch bóng bàn ở nội dung đồng đội nam.
Sau hơn 3 giờ tranh tài, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã lội ngược dòng giành chiến thắng ngoạn mục 3-1 trước đối thủ ở cường quốc Singapore, lần đầu vô địch SEA Games nội dung đồng đội nam.
Công đầu trong chiến thắng lịch sử này thuộc về Nguyễn Anh Tú, người đã thắng lại cả 2 trận đơn sau khi đàn anh Đinh Quang Linh thua Gao Ning trận đầu.
Chiến thắng quyết định đã đến từ việc bộ đôi Tuấn Anh - Quang Linh gây sốc, quật ngã cặp Gao Ning - Pang Xue Jie 3-2 ở trận đấu đôi.
Bóng bàn giành tấm huy chương quý giá nhất trong các kỳ tham dự SEA Games.
Ở trận đơn thứ 4, Nguyễn Anh Tú là tay vợt được lựa chọn để đấu với Pang Xue Jie. Với ưu thế về trình độ và cả thể lực khi đối thủ vừa trải qua 5 set đánh đôi, Anh Tú đã chơi một trận trên cơ để giành chiến thắng với tỷ số 13-11, 11-9 và 11-3, qua đó giúp bóng bàn VN lật đổ Singapore giành HCV đồng đội nam.
Ông Nguyễn Nam Hải - HLV trưởng đội bóng bàn Việt Nam đánh giá: "Đây là tấm HCV danh giá nhất từ trước đến nay của bóng bàn Việt Nam ở các kỳ SEA Games".