Website của FPT Shop vừa có thêm hạng mục mới - Mua hàng quốc tế. Dự án này do CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) bắt tay với Fado - một doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới với 2 đối tác chính là Amazon và Alibaba - thực hiện.
Trên website https://hangmy.fptshop.com.vn, các sản phẩm chủ yếu đến từ 3 thị trường Mỹ, Đức, Nhật, với các hạng mục phong phú như công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang, mẹ và bé, du lịch… Khi click vào 3 hạng mục Mỹ, Nhật, Đức trên trang chủ, đường link đều hiển thị tên "Amazon store" ở cuối.
Phía FPT Retail cho biết, tất cả các sản phẩm trên trang đều là hàng hoá được thông quan hợp pháp. Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên thì đối tác của FPT Shop, tức Fado, sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hàng hoá, còn phía FPT Shop làm trung gian tương tác với khách hàng trong nước.
Trả lời câu hỏi các sản phẩm FPT Shop đang bán có phải chỉ được đặt mua từ Amazon, đại diện FPT Retail cho biết: "Các sản phẩm được phép kinh doanh theo danh mục sản phẩm của đối tác. Các sản phẩm này được đặt mua từ các trang thương mại điện tử nổi tiếng ở các nước Mỹ, Nhật, Đức, Singapore…".
Click mua thử sản phẩm đồng hồ Seiko Men's SNE361 từ thị trường Mỹ trên trang của FPT Shop. Đơn vị bán hàng (Seller) khá phong phú với nhiều mức giá khác nhau như Amazon, 3,257 triệu đồng; Pass The Watch, 3,255 triệu đồng, Princeton Watches, 4,3 triệu đồng…
Nếu click mua món hàng này vào ngày 25/4, quy trình mua hàng như sau:
- Đặt mua và thanh toán cho > Fado báo cho Seller
- Seller chuẩn bị hàng từ 1-3 ngày
- Nếu đặt mua vào ngày 25/4, thì ngày 6/5 hàng sẽ được chuyển về Việt Nam
- Fado làm thủ tục thông quan từ 1-2 ngày
- Từ ngày 8 - 10/5, Fado giao hàng tại cửa hàng FPT Shop gần nhất
Trên website, FPT Shop cũng thông báo về chính sách giao nhận hàng của đơn vị này. Theo đó, khách hàng có 30 ngày kể từ ngày thông báo hàng đã về để ra FPT Shop thanh toán giá trị còn lại của đơn hàng và nhận hàng.
Sau thời gian này, đơn đặt cọc của Khách hàng không còn hiệu lực và FPT Shop có toàn quyền xử lý hàng hóa để thu hồi tiền mua hàng.
FPT Retail là đơn vị bán lẻ điện thoại đầu tiên bổ sung tính năng mua hàng xuyên biên giới trên website của mình. Tính năng mua hàng xuyên biên giới trước giờ mới được thực hiện bởi các sàn thương mại điện tử mass như Shopee , Tiki, Lazada.
Đây là dự án đầy bất ngờ của FPT Retail sau dự án bắt tay với Nguyễn Kim bán hàng điện máy, đồ gia dụng.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 diễn ra mới đây, khi được hỏi liệu FPT Retail có bán chéo thêm sản phẩm như Thế giới Di Động không, đại diện FPT Retail cho rằng ở mỗi nhóm ngành nghề cần có nghiên cứu về tương lai.
"FPT Retail đang có một loạt dự án đang thử nghiệm và khi nào thực sự rất thành công thì mới công bố việc đầu tư. Hiện công ty đang trong quá trình thương lượng với các đối tác. Hướng đi của FPT Retail vẫn là hạn chế mảng đã bão hòa, dành diện tích cho mảng mới tốt hơn", đại diện này cho biết.
Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần 17.770 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 418 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 16% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.