UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc báo cáo số liệu đề xuất phương án mua s ách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.
Theo UBND TP HCM, sau khi tiếp nhận công văn tháng 10-2022 của Bộ GD-ĐT về việc báo cáo số liệu đề xuất phương án mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn, sử dụng, căn cứ tình hình thực tiễn, thành phố lựa chọn phương án 3.
Cụ thể: Mua sách giáo khoa hỗ trợ các đối tượng học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo với nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố.
Theo báo cáo của UBND TP, số học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo tại TP HCM là 11.146 học sinh. Kinh phí mua 1 bộ sách là 200.000 đồng/bộ.
Phương án trên nhằm thực hiện thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 16-8-2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với UBND TP HCM về lĩnh vực khoa giáo, văn xã trên địa bàn thành phố. Cuộc họp đề cập nội dung chủ động xây dựng phương án sử dụng ngân sách thành phố để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn sử dụng.
Báo cáo của UBND TP HCM cũng nêu rõ năm học 2022- 2023, học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn đã có đủ sách giáo khoa để học tập. Thành phố đang nghiên cứu ban hành kế hoạch trang bị sách giáo khoa trong thư viện cho học sinh mượn sử dụng trong suốt năm học.
Kinh phí huy động từ các nguồn vận động tài trợ xã hội hóa.
Kế hoạch này ưu tiên cho đối tượng diện chính sách, học sinh thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi, gia đình thương binh, liệt sĩ, con em công nhân, hộ nhập cư, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở cấp tiểu học, THCS, THPT có nhu cầu mượn sách giáo khoa sử dụng trong suốt năm học áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP HCM còn có các phong trào tuyên truyền, vận động học sinh bảo quản, giữ gìn sách giáo khoa sau khi sử dụng để trao lại cho học sinh các lớp sau, bảo đảm 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để học tập.