Hành trình gian nan
Từng là nơi sinh sống của rùa biển với 9 bãi đẻ nhưng giờ đây, Cù Lao Chàm phải đối mặt với tình trạng khan hiếm rùa biển, phải vận chuyển trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở để phục hồi hệ sinh thái.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, sau khi TP Hội An có chủ trương thống nhất về việc bảo tồn và phát triển rùa biển tại đảo0 Cù Lao Chàm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm bắt tay xây dựng kế hoạch bảo tồn rùa biển tại đây.
Từ sự hỗ trợ của tổ chức Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (viết tắt là IUCN) và VQG Côn Đảo, TP Hội An đã tổ chức những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về hoạt động bảo tồn rùa biển tại hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) cho cán bộ kỹ thuật và nhiều người dân trên đảo.
Từ đó, nhanh chóng xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học và được UBND tỉnh Quảng Nam, Sở KHCN phê duyệt.
Cuối tháng 8.2017, Ban Quản lý Cù Lao Chàm vận chuyển đợt trứng rùa đầu tiên với số lượng 450 trứng do VQG Côn Đảo tặng Cù Lao Chàm.
Với chặng đường hơn 1.000 km từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, nhiều giải pháp được đưa ra từ việc xếp trứng vào thùng xốp, phủ cát đến việc lót đệm, ủ rơm đều được mọi người tính đến.
Cuối cùng, những quả trứng 40 ngày tuổi được xếp cẩn thận trong thùng xốp, phủ cát biển. Số trứng trên được vận chuyển bằng nhiều phương tiện từ đường hàng không, đường bộ và đường thủy.
Những quả trứng rùa 40 ngày tuổi sau khi về đến TP Hội An được vận chuyển bằng cano ra đảo Cù Lao Chàm và đưa đến bãi ấp. 450 quả trứng được chia thành 5 tổ ấp.
Các tổ ấp được đào sâu khoảng 60cm, rộng chừng 20cm, trứng rùa đặt theo vòng tròn. Thông tin về số lượng, ngày giờ ấp đều được các cán bộ kỹ thuật theo dõi và ghi chép cẩn thận.
Một chiếc chòi nhỏ được dựng lên cạnh bãi ấp. Hằng ngày, đều có cán bộ kỹ thuật túc trực 24/24 bên cạnh tổ trứng.
Mỗi ngày đều có 2 ca trực, mỗi ca có 2 người, thay phiên nhau thức canh bãi ấp. Người này mệt có thể thay thế cho người kia để chợp mắt chốc lát. Một chiếc bếp ga nhỏ, ít nước lọc, mì gói được chuẩn bị sẵn để đội trực dùng tạm đêm khuya.
Là một lão ngư gắn bó hơn nửa đời người nơi xã đảo Tân Hiệp, từng chứng kiến rùa biển về sinh sôi nảy nở ở các bãi biển trên đảo Cù Lao Chàm nhưng nay gần như không còn nữa.
Ngay sau khi nghe thông tin về việc đưa trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm, ông Huỳnh Tấn Lộc (SN 1964, trú xã đảo Tân Hiệp) lập tức xung phòng vào đội tình nguyện viên canh giữ bãi ấp.
Hằng ngày, ngoài ca trực, ông Lộc thường xuyên lui tới bãi ấp để theo dõi các tổ trứng, đi tuần dọc bờ biển vận động người dân và du khách không làm hại tới môi trường sinh sống của rùa.
"Trước đây, khi còn tàu đi đánh bắt, tôi và người dân trên đảo nhiều lần bắt được rùa biển, nhặt được trứng rùa trên bãi.
Ngày đó, dân xã đảo ai cũng ăn thịt rùa, bắt trứng rùa về làm thực phẩm vì chưa hiểu biết hết. Khi đó rùa còn nhiều lắm, thường xuyên lên các bãi cát để đẻ trứng.
Còn khoảng 10 năm trở lại đây, chúng tôi không còn thấy rùa biển, cũng không còn thấy rùa lên đẻ trứng trên bãi cát nữa.
Giờ tôi chỉ mong sao có rùa biển về lại bãi cát để đẻ, để những em học sinh trên đảo biết được, nơi này từng là một "thủ phủ" của rùa biển…" – ông Lộc giãi bày.
Chị Phạm Thị Kim Phương (SN 1987), Ban Chủ nhiệm đề tài phục hồi bảo tồn rùa biển chia sẻ: "Bãi ấp được dán 2 con chip đo nhiệt độ sâu dưới lòng tổ và 1 con chip trên mặt đất để theo dõi nhiệt độ tổ ấp.
Cán bộ kỹ thuật thường xuyên dùng nhiệt kế đo nhiệt độ tổ trứng để kiểm tra, sao cho đảm bảo nhiệt độ trong tổ ấp từ 23 – 33 độ C.
Việc canh giữ bãi trứng không cho phép những cán bộ kỹ thuật lơ là. Vì thế, bất kể nửa đêm, gà gáy hay trời nắng, mưa, những cán bộ kỹ thuật của Cù Lao Chàm và những ngư dân trên đảo cũng phải luôn có mặt".
Không chỉ các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật mà hầu hết người dân xã đảo Tân Hiệp đều mong muốn rùa biển quay về sinh sản tại biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Lam Phương
Cần hài hòa giữa du lịch và bảo tồn
Theo ông Lê Vĩnh Thuận – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An đã có kế hoạch khôi phục và và bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm.
Tuy nhiên, điều khiến ông Thuận và hầu hết những cán bộ kỹ thuật "đau đầu" là các hoạt động du lịch tràn lan ở Cù Lao Chàm hiện nay. Hầu hết các hoạt động du lịch ở đây đều ảnh hưởng đến những nơi trước đây rùa biển đến sinh đẻ.
"Hiện nay, ở khu vực Bãi Bìm, Bãi Bấc đang xây dựng các khu resort. Điều này rất e ngại cho việc ảnh hưởng đến bãi đẻ của rùa biển.
Trên cương vị Ban quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm, chúng tôi tham mưu với UBND TP Hội An trình tỉnh tham gia can thiệp để hạn chế mức tối đa việc ảnh hưởng của các công trình phục vụ du lịch, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên đảo, hạn chế ảnh hưởng đến khu vực bảo tồn rùa biển.
Việc TP Hội An đã phê duyệt kế hoạch bảo tồn rùa biển chứng tỏ TP Hội An đã có sự quan tâm sâu sắc và đặc biệt đến việc bảo tồn rùa biển.
Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại khu vực này có sự phối hợp hài hòa với các đơn vị để vừa phát triển được du lịch vừa không làm ảnh hưởng đến khu vực bảo tồn" – ông Thuận chia sẻ.
Trong tương lai, khoảng 3 – 4 năm tới, sau khi kế hoạch phục hồi và bảo tồn rùa biển thành công, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm hướng đến xây dựng những tour du lịch lặn ngắm rùa biển.
Qua những đợt học tập, tham quan ở VQG Côn Đảo với các tour lặn xem rùa đẻ, ông Thuận khẳng định có thể áp dụng tại Cù Lao Chàm khi chương trình phục hồi và bảo tồn rùa biển thành công.
Theo đó, mỗi tour tối đa không quá 4 nhóm, mỗi nhóm không quá 6 người. Các cá nhân tham gia tour phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong quá trình xem rùa.
Thông qua các tour lặn ngắm rùa này sẽ là một cách truyền thông hiệu quả đến cộng đồng, du khách về những giá trị mà loài rùa biển mang lại và những đặc tính sinh học của loài rùa biển. Để từ đó cộng đồng và du khách có thêm hiểu biết và có sự chung tay bảo tồn rùa biển.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và các đơn vị liên quan sẽ tham vấn ý kiến của người dân địa phương về khoanh vùng giới hạn những hoạt động khai thác thủy sản cũng như hoạt động phát triển ven bờ của người dân địa phương làm ảnh hưởng đến việc kiếm ăn và quay về sinh đẻ của rùa biển.
Sau khi tham vấn cộng đồng và các bên liên quan xong sẽ có kế hoạch ban hành các quy định và các khung chính sách để thực hiện công tác phục hồi và bảo tồn rùa biển.
TP Hội An cũng đã lập trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển ở Cù Lao Chàm.
Bên cạnh đó, TP Hội An cũng chọn phía Đông Bắc Cù Lao Chàm với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập quản lý bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển.
TP Hội An đặt mục tiêu hướng đến xây dựng khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trở thành 1 trung tâm bảo tồn rùa biển của miền Trung Việt Nam.