Về chủ đề này, tờ Independent (Anh) vừa cho đăng một bài phân tích của tiến sĩ Jagannath Panda, chuyên gia về Đông Á của Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng (Ấn Độ). Sau đây là một số nội dung chính của bài viết.
…Vấn đề phi hạt nhân hóa từ lâu đã là chủ đề tranh cãi ở khu vực (Đông Bắc Á-ND). Cho dù ông Trump và ông Kim cải thiện mối quan hệ cá nhân, người Mỹ và người Triều Tiên sẽ tiếp tục khác biệt về tiến trình và định nghĩa thế nào là “hoàn toàn”.
Trung Quốc sẽ ủng hộ tiến trình (phi hạt nhân hóa-ND) theo từng giai đoạn, điều Bình Nhưỡng ưa thích hơn, trong khi Nhật Bản có vẻ ủng hộ đòi hỏi của Mỹ là phi hạt nhân “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Và sau những “hiểu lầm” trong các thông điệp qua lại gần đây về chuyện tập trận chung với Mỹ, Hàn Quốc có vẻ là bên phải đối mặt với nhiều khó khăn và căng thẳng hơn trong thời gian tới: Seoul phải xác định cho được một vị trí cân bằng chiến thuật tại khu vực Đông Bắc Á.
Sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, họ (Hàn Quốc-ND) vẫn theo sau sự lãnh đạo của Mỹ, nước đã có cú xoay trục ngoạn mục từ quan điểm tìm cách cô lập Triều Tiên và sau đó đơn giản là chờ chế độ ở Bình Nhưỡng sụp đổ. Kịch bản ngược lại, như chúng ta đã biết, lại thắng thế, khi lãnh đạo các nước muốn tiếp cận Bình Nhưỡng càng nhanh càng tốt.
Các cuộc gặp của ông Kim Jong-un với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Trump, chỉ trong vòng hơn một tháng, đã chứng minh điều đó.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã mời ông Kim thăm Nga. Và qua việc đăng cai tổ chức hội nghị Trump-Kim, Singapore cho thấy thế giới đang chấp nhận giao thiệp với Bình Nhưỡng với đầu óc cởi mở hơn.
Và có lẽ cảm nhận được những cơ hội thương mại mới, tất cả các nước láng giềng với Triều Tiên đều bày tỏ sự sẵn sàng xóa bỏ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng nếu các cơ sở và kho vũ khí hạt nhân của nước này hoàn toàn bị phá hủy.
Và rõ ràng những yếu tố kể trên khiến vấn đề Triều Tiên đang trở nên quan trọng hơn đối với những bên ít liên quan như Ấn Độ, nước cho đến nay vẫn cho là Triều Tiên có liên quan đến điều mà New Delhi gọi là chương trình “phát triển hạt nhân” với Pakistan. (Cha đẻ chương trình hạt nhân của Pakistan từng nói ông này bán thông tin bí mật cho Triều Tiên, Iran và Libya).
Tuy Ấn Độ không liên quan nhiều đến vấn đề Triều Tiên, nhưng thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có những bước đi tiếp nối chủ trương “Hướng Đông” của những người tiền nhiệm, củng cố quan hệ với cả hai miền Triều Tiên. Nếu ông Modi thực sự muốn thay đổi tư thế từ người quan sát sang người hành động, đây rõ ràng là thời điểm cơ hội để Ấn Độ “can dự”.
… Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ có lẽ vẫn là những yếu tố chính trong việc đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi tình trạng bị cô lập, trong khi những gì diễn ra ở Syria cho thấy Nga sẵn sàng can dự trực tiếp vào các điểm nóng trên thế giới.
Và sau những “hiểu lầm” trong các thông điệp qua lại gần đây về chuyện tập trận chung với Mỹ, Hàn Quốc có vẻ là bên phải đối mặt với nhiều khó khăn và căng thẳng hơn trong thời gian tới: Seoul phải xác định cho được một vị trí cân bằng chiến thuật tại khu vực Đông Bắc Á.