Ngày 26/10, tại TP HCM, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) đã tổ chức họp báo công bố thương hiệu "heo ăn chay - BaF Meat".
Theo BaF, heo ăn chay là heo chỉ ăn thức ăn được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật do chính công ty này nghiên cứu, sản xuất. Dinh dưỡng từ nguồn cám chay đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho vật nuôi trong mọi giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nguồn thức ăn này sẽ giúp làm giảm tỉ lệ rủi ro nhiễm các loại vi khuẩn gây hại đến sức khỏe vật nuôi và liên quan đến an toàn thực phẩm.
Giá một số sản phẩm BaF Meat trên website cửa hàng Siba Food.
Khái niệm “heo ăn chay” của BaF có thể khiến người tiêu dùng liên tưởng tới Hoàng Anh Gia Lai với thương hiệu “heo ăn chuối” đang gây sốt thị trường thịt heo những ngày gần đây khi ra mắt chuỗi cửa hàng Bapi.
Cụ thể, hồi giữa tháng 9, tại sự kiện ra mắt nhãn hiệu thịt heo của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết ông đã tìm được phương pháp đưa bột chuối vào 40% thức ăn chăn nuôi giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành chăn nuôi bởi thức ăn đang chiếm 75% trong tổng chi phí sản xuất.
Ông Đức cam kết chất lượng heo ăn chuối của HAGL đảm bảo tiêu chí "3 không" gồm không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật.
Hai sản phẩm thịt heo này có phần tương đồng là được nuôi theo công thức riêng của mỗi doanh nghiệp và công thức này đều có thành phần thực vật nên chất lượng được giới thiệu là có sự khác biệt so với thịt heo thông thường.
Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai đã khai trương 2 cửa hàng thịt heo ăn chuối Bapi Food đầu tiên tại Hà Nội. Các cửa hàng Bapi Food được đặt tại các khu đô thị lớn gồm: Bapi Vinhomes Smart City và Bapi Food Vinhomes Ocean Park.
Ghi nhận ngày đầu ra mắt, 2 cửa hàng thu hút nhiều người tiêu dùng tới mua thịt heo ăn chuối và các sản phẩm xúc xích, giò chả thương hiệu Bapi. Theo đại diện Công ty, sau gần ba tiếng đồng hồ khai trương, cửa hàng đã bán được khoảng 200kg thịt heo các loại và sẽ liên tục bổ sung.
Được biết, mức giá những ngày đầu được chiết khấu 15% so với giá đang niêm yết, đơn cử ba rọi 156.400 đồng/kg, thịt vai 107.100 đồng/kg, nạc nọng 229.500 đồng/kg, sườn non 212.500 đồng/kg...
Bên cạnh đó, thị trường cũng có nhiều thương hiệu thịt lợn sạch khác quen thuộc với người tiêu dùng. Hiện, C.P Việt Nam - công ty con của Tập đoàn C.P Thái Lan là doanh nghiệp sản xuất thịt heo lớn nhất Việt Nam với thị phần ước khoảng 17-18%. Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) sau 2 năm ra mắt, sản phẩm đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần.
Nhiều sản phẩm của Meat Deli cũng có giá khá cạnh tranh. (Nguồn: winmart.com)
Theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10 -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy, đây là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt có sự đầu tư vào hệ thống chăn nuôi, phân phối qua điểm bán hiện đại và đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.