Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu sắn đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục. Cụ thể trong tháng 1, xuất khẩu sắn đạt 76.118 tấn với trị giá hơn 19,9 triệu USD, tăng 369,6% về lượng và tăng 340,8% so với tháng 12/2023. Đồng thời tăng mạnh 30,9% về lượng và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, sắn là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 262 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với tháng trước. Tính chung nhóm hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 195 triệu USD, tăng 38,1% so với tháng trước đó.
Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nhà nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam. Tháng 1/2024, nước ta xuất sang Trung Quốc 401.945 tấn sắn và thu về hơn 183 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng trước. Thị phần của Trung Quốc cũng đã tăng từ 91% trong năm 2023 lên 94% trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 457 USD/tấn, giảm 6% so với tháng trước. Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu mặt hàng này đến các quốc gia khác như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Pakistan,…
Thiếu hụt sắn nguyên liệu là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới giá sắn tươi tăng trong tháng 1. Từ đầu tháng 1 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc đang liên tục có xu hướng tăng lên. Sản lượng sắn giảm đáng kể cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới giá sắn tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022. Sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022.
Trung Quốc tăng mua tinh bột sắn, sắn lát chủ yếu phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi. Việt Nam cũng đang là nước cung cấp sắn và sản phẩm từ sắn hàng đầu cho Trung Quốc.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 700 nghìn tấn, trị giá 192 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,71% về lượng và chiếm 12,63% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.
Tây Ninh là địa phương đứng đầu về số lượng nhà máy chế biến sắn cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh này có 65 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất 6,4 triệu tấn củ/năm.
Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sắn, sau Thái Lan.
Để tăng năng suất và sản lượng cho cây sắn trong giai đoạn năm 2023-2028, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã chủ động kết hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiến hành xây dựng lộ trình phát triển bền vững ngành sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu phát triển ngành sắn theo hướng nâng cao giá trị bền vững, tỷ lệ chế biến sau tinh bột đạt 15%, với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2 tỷ USD/năm.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.