Sau 'đòn' S-400 lợi hại của Nga, Mỹ chỉ dám 'giơ cao, đánh khẽ' đồng minh?

Kiệt Linh |

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (6/8) cho biết, ông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không cho phép mối quan hệ giữa hai nước đồng minh trong NATO trở thành “con tin” của cuộc tranh cãi liên quan đến việc Ankara mua các tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối quyết liệt từ các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ.

Mỹ liên tục đe dọa sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt, thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35, nếu đồng minh của họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mua S-400 của Nga.

Giới chức Mỹ và NATO không ngừng nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400. Phương Tây tin rằng, hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và S-400 của Nga có thể gây nguy hiểm đối với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của họ.

Sau những lời cảnh báo, đe dọa, Mỹ thậm chí còn xuống nước đề nghị bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế S-400 của Nga. Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cảnh báo, đe dọa và cả lời đề nghị Patriot hấp dẫn của Mỹ, Ankara vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức được Nga bàn giao các tên lửa S-400 đầu tiên. Sự kiện này là dấu chấm hết cho các nỗ lực của Mỹ nhằm phá bỏ hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara. Theo kế hoạch, Ankara sẽ được bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thứ hai vào năm tới.

Sau khi Ankara có trong tay hệ thống S-400, Mỹ quyết định trừng phạt bằng cách loại bỏ Thổ Nhĩ Kì khỏi chương trình máy bay tàng hình F-35, máy bay tân tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ. F-35 đang được sử dụng bởi các nước NATO và nhiều nước đối tác khác.

Giống như một số đối tác khác trong NATO, Thổ Nhĩ Kì là một phần của chuỗi sản xuất và cung cấp các bộ phận cho máy bay F-35. Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất khoảng 900 thiết bị thuộc chiến đấu cơ F-35. Nếu bị loại ra khỏi chương trình F-35, các doanh nghiệp trong ngành quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất đi công việc trị giá hàng tỉ đô la.T

Washington cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt thêm nữa vì hợp đồng S-400. Tuy nhiên, Ankara đến nay vẫn phớt lờ những lời cảnh báo trên và vẫn hy vọng vào lập trường “thông cảm” của Tổng thống Trump bởi ông chủ Nhà Trắng nhiều lần bày tỏ sự “chia sẻ” và “thấu hiểu” trước quyết định mua S-400 của Ankara. Mặc dù vậy, đến nay, ông Trump vẫn chưa loại trừ khả năng tung thêm các đòn trừng phạt nhằm vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu với các đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, Tổng thống Erdogan đã nói rằng, sẽ là sai lầm khi nghi ngờ cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO. "Không có bằng chứng cụ thể cho thấy S-400 sẽ gây hại cho chiến đấu cơ F-35 hay NATO. Không ai nên hiểu lầm như vậy. Nhiều quốc gia thành viên của NATO đã mua vũ khí từ Nga. Chúng tôi không thấy việc đó biến thành một cuộc khủng hoảng”, ông Erdogan nói.

"Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định đó vì vấn đề an ninh và điều thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bước đi như vậy là lập trường không phù hợp của liên minh NATO. Tuyên bố của ông Trump tại G20 về việc Thổ Nhĩ Kỳ bị đối xử bất công là thực tế đã được xác nhận ở cấp cao nhất”, ông Erdogan nói thêm.

"Tôi tin rằng, ông Trump sẽ không để cho mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trở thành con tin của vấn đề S-400", ông Erdogan khẳng định.

Mối quan hệ giữa Ankara và Washington đã rơi vào căng thẳng vì một loạt vấn đề, trong đó có sự mâu thuẫn trong chiến lược ở Syria. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi liên quan đến vấn đề S-400 đã đẩy mối quan hệ giữa hai nước thành viên NATO đến bờ vực của một trong những cuộc khủng hoảng gây rạn nứt nhất giữa họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại