Sau điều lệ oái oăm trong bóng đá, Malaysia còn toan tính gì tại SEA Games 29?

Mạnh Quân |

Malaysia định tự cho mình quyền chọn bảng đấu ở 2 nội dung bóng đá nam và nữ tại SEA Games sắp tới trên sân nhà. Điều đó báo hiệu rất nhiều thứ có thể còn gây tranh cãi hơn.

Cách đây ít hôm, đại diện VFF chia sẻ thông tin Malaysia muốn được quyền chọn bảng đấu khi bốc thăm 2 nội dung bóng đá nam và nữ tại SEA Games.

Cụ thể ở môn bóng đá nam, Malaysia muốn đợi mỗi bảng đã có 4 cái tên thì sẽ chọn, sau khi chủ nhà chọn thì 2 đội chưa bốc thăm sẽ rơi vào bảng đấu còn lại. Ở nội dung bóng đá nữ, khi mỗi bảng đã có 3 cái tên, Malaysia sẽ chọn bảng thuận tiện cho mình.

Vấn đề ở đây là từ trước khi SEA Games diễn ra, nước chủ nhà đã có động thái oái oăm đến như vậy, thì còn điều gì có thể xảy ra nữa? Mới đây, HLV Worrawoot Srimaka của U22 Thái Lan chia sẻ: "Tôi biết rằng bóng đá chỉ là một trong số những môn mà Malaysia muốn vô địch trên sân nhà".

Thực vậy, theo những thông tin mới nhất, điều lệ tự chọn bảng đấu còn đang được Malaysia dự định áp dụng vào cả môn bóng chuyền. Đâu sẽ là giới hạn cho những chiêu trò mà chủ nhà của SEA Games 29 định áp dụng?

Một thực tế là trong lịch sử Đại hội Thể thao ĐNÁ, nếu kể ra những pha xấu chơi của chủ nhà, có lẽ sẽ mất hàng trăm trang giấy. Điều đó càng làm nhiều người lo ngại, SEA Games 29 sẽ có rất nhiều vấn đề.

Có một câu chuyện thường được đồn đại ở các kì SEA Games, là chuyện chủ nhà thường yêu cầu đổi chác HCV ở các môn không phải thế mạnh của họ, với các nước mạnh về môn đó. Nếu không được đáp ứng, nước chủ nhà sẽ không cho thi môn này.

Sau điều lệ oái oăm trong bóng đá, Malaysia còn toan tính gì tại SEA Games 29? - Ảnh 1.

Sau khi phải khóc ngay trên võ đài vì bị xử ép, Duy Nhất lại phải an ủi một đàn em khác cũng bị xử ép ở môn Muay Thái tại SEA Games 2013.

Cũng tại Myanmar năm 2013, võ sĩ Muay Thái Nguyễn Trần Duy Nhất đã phải bật khóc khi bị xử thua ở sân chơi SEA Games trên đất Myanmar. Thời điểm đó, Duy Nhất là ĐKVĐ thế giới hạng cân 57 kg, không có đối thủ ở châu Á.

Tại Bán kết nội dung này ở SEA Games, anh đánh cho võ sĩ Lào phải chạy quanh sàn đấu. Chính các CĐV chủ nhà, đoàn Indonesia, Philippines và cả HLV trưởng đội tuyển Muay của Lào cũng thừa nhận Duy Nhất xứng đáng thắng. Thế nhưng trọng tài thì cho anh thua.

Người ta chỉ biết rằng, ở trận Bán kết còn lại, một võ sĩ Myanmar đã giành quyền vào chơi trận Chung kết. Và nếu Duy Nhất bị loại ở bán kết, anh võ sĩ chủ nhà này sẽ "sáng cửa" vô địch nhờ chỉ gặp võ sĩ của Lào.

Sớm hơn Duy Nhất, đoàn Wushu Việt Nam gặp khó khăn trên đất Myanmar ngay từ khâu tập luyện. Vào khuya ngày 4/12/2013, toàn đội mới đến làng SEA Games ở Ney Pyi Taw nhưng bị chủ nhà bố trí lịch tập vào 7h sáng hôm sau. Đến ngày hôm sau nữa, đoàn Wushu Việt Nam cũng bị bố trí giờ tập lúc 7h sáng vô cùng bất cập mà không thể xin thay đổi được.

Sau điều lệ oái oăm trong bóng đá, Malaysia còn toan tính gì tại SEA Games 29? - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Thanh Phúc khóc vì bị mất HCV oan ức ở môn đi bộ.

Đến nội dung đi bộ ở SEA Games 2013, Nữ hoàng đi bộ Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Phúc đã tức tưởi nhận HCB ở cự ly 20km. Lý do là vì VĐV Saw Mar Lar Nwe của Myanmar liên tục chuyển từ đi bộ sang... chạy bộ khiến Thanh Phúc bị bỏ lại rất xa. Dù các lỗi này khá dễ nhận ra nhưng các trọng tài lại không hề phạt VĐV nước chủ nhà.

SEA Games 2015 được tổ chức tại Singapore là kì Đại hội thể thao ĐNÁ hiếm hoi có rất ít các trường hợp bị ghi nhận là thiếu chuyên nghiệp, bởi nước chủ nhà đã cố gắng làm rất tốt. Đấy cũng là kì SEA Games mà NHM Việt Nam có thể thoải mái để theo dõi các thành tựu của kình ngư Ánh Viên, người đã giành tới 8 chiếc HCV và lập 9 kỷ lục.

Tuy nhiên, nhìn vào cách Malaysia đang cố chơi chiêu ở môn bóng đá nam và nữ, thậm chí cả bóng chuyền, e rằng kì SEA Games 29 sẽ không diễn ra êm ả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại