Sau cuộc gặp Trump-Jack Ma, TQ tự tin: Chúng tôi có thể mang cho Mỹ điều mà Nga không thể

Hải Võ |

Cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tỉ phú Trung Quốc Jack Ma hôm 9/1 được cho là tín hiệu của một cách tiếp cận khác biệt trên bình diện ngoại giao.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 16/1 cho hay, cuộc gặp giữa 2 tỉ phú tại tòa nhà Trump Tower hôm 9/1 làm dấy lên những suy đoán về cách tiếp cận ngoại giao theo "kiểu làm ăn" của ông Trump.

Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên mà cả sự nghiệp trước khi đắc cử chỉ dành cho việc kinh doanh. Chi tiết này khiến ông được dự đoán là sẽ tập trung nhiều hơn và các mối liên hệ cá nhân, hơn là xây dựng các kênh ngoại giao truyền thống, để xử lý những vấn đề về kinh tế quốc tế, bao gồm các vấn đề giữa Mỹ-Trung.

Sau khi thắng cử tháng 11/2016, Trump đã phá vỡ hầu hết thông lệ truyền thống bằng cách liên tục cập nhật quan điểm về mọi vấn đề trên Twitter, trong khi đại bản doanh của ông tại thành phố New York thường xuyên được các lãnh đạo doanh nghiệp thăm viếng.

Tổng thống đắc cử đã tiếp Masayoshi Son, chủ tịch Softbank, và nhận được lời ngỏ ý đầu tư 50 tỉ USD để tạo ra 50.000 việc làm. Trump cũng mời các lãnh đạo từ Google, Apple hay Facebook đến gặp gỡ để thảo luận về vấn đề công ăn việc làm cũng như phát triển kinh tế.

Một xu hướng được chỉ ra là nội các tương lai của Trump có khá nhiều nhân vật xuất thân là những doanh nhân kỳ cựu, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ tương lai Rex Tillerson - cựu giám đốc điều hành Exxon Mobile.

Li Mingjiang, giáo sư tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói rằng sự tương tác giữa ông Trump với các doanh nhân tiêu biểu là "rất mạnh mẽ".

"[Trump] không phải là một nhân vật chính trị, nên cũng dễ hiểu khi ông ấy gặp cả cả lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp từ nước ngoài," Li nói.

"Lãnh đạo các nước khác cũng hay gặp gỡ những người đứng đầu doanh nghiệp quan trọng của nước khác. Chúng ta không thể đánh giá Trump là người chỉ thích tiếp xúc với giới doanh nhân, chỉ vì ông ấy gặp Jack Ma."

Theo ông Li, các chính trị gia phương Tây xuất thân từ rất nhiều bối cảnh khác nhau, và sẽ phiến diện nếu dự đoán chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ dựa trên yếu tố này.

"Sẽ có những ảnh hưởng bởi ông Trump đã làm kinh doanh nhiều thập kỷ rồi," Li nhận xét. "Nhưng một khi vị trí của ông nâng lên cấp độ tổng thống, những nhân tố ảnh hưởng lớn nhất sẽ đến từ chính trị, chứ không phải kinh doanh."

Philip Le Corre, nhà phân tích về Trung Quốc tại Viện Brookings, Mỹ cho rằng cuộc gặp Trump-Jack Ma hé lộ phong cách cầm quyền chắc chắn sẽ rất khác biệt giữa Tổng thống Mỹ thứ 45 với người tiền nhiệm Barack Obama.

Khi được hỏi liệu ông chủ tập đoàn khổng lồ Alibaba có được "ủy thác" bởi chính phủ Trung Quốc để gặp Trump, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng "hai chính phủ khuyến khích các mối hợp tác giữa những công ty từ hai nước, và tạo điều kiện tốt hơn (cho việc hợp tác)".

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử, diễn ra hôm 11/1, Trump xác nhận ông đã gặp gỡ nhiều nhân vật sẽ đem lại công ăn việc làm cho Mỹ, bao gồm Jack Ma.

"Và tôi sẽ nói rằng, nếu cuộc bầu cử không diễn ra với kết quả như đã biết (Trump thắng), thì họ (các doanh nhân) đã không ở đây," ông Trump nói.

Theo ông Le Corre, "Alibaba là một công ty thông minh với nhiều cố vấn và nhà vận động hành lang tại Washington hay New York", nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn về con số 1 triệu việc làm mà Jack Ma hứa đem lại cho Mỹ.

Wang Yiwei, chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định Tổng thống đắc cử Mỹ là một người thực dụng và chỉ quan tâm đến sự phát triển kinh tế trong nước.

Theo Wang, "Nga không thể giúp Trump tái thiết nền kinh tế Mỹ. Còn chúng tôi (Trung Quốc) cũng rất thực tế. Chúng tôi có thể mang lại những thứ ông ấy muốn. Có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại Mỹ cần vốn đầu tư, chúng tôi có thể cho họ điều đó."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại