Các chuyên gia đánh giá rằng sau chuyến công du, Tổng thống Trump đã thu hẹp khoảng cách giữa Seoul và Washington về vấn đề CHDCND Triều Tiên nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức trong quan hệ hai nước liên quan đến thương mại và an ninh.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã thống nhất tăng cường ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc ngày 8/11, Tổng thống Trump cảnh cáo Triều Tiên không thực hiện thêm thử tên lửa và hạt nhân đồng thời cũng đề cập đến con đường hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Ông Alan Romberg, giám đốc Chương trình Đông Á của Trung tâm Stimson (Mỹ) đánh giá: “Cam kết của Hàn Quốc đẩy mạnh nỗ lực gây sức ép với Triều Tiên và việc Washington làm rõ rằng sẽ không khởi xướng sử dụng vũ lực mà chỉ phản ứng với khiêu khích của Bình Nhưỡng, là các yếu tố quan trọng kéo hai nhà lãnh đạo và hai quốc gia gần hơn với nhau”.
Trước đó, Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có dấu hiệu chia rẽ liên quan tới Bình Nhưỡng. Trong khi Tổng thống Moon Jae-in, một cựu luật sư nhân quyền, khuyến khích các cam kết với chính quyền Triều Tiên thì người đồng cấp Mỹ Trump chủ yếu sử dụng ngôn từ chỉ trích ông Kim Jong-un.
Ông Douglas Paal tại Chương trình Quốc tế Hòa bình châu Á Carnegie Endowment (Mỹ) phân tích: “Tổng thống Trump đã làm dịu quan điểm về Triều Tiên trong chuyến thăm, gợi ý rằng có thể xuất hiện cách thức đàm phán với Bình Nhưỡng.
Tôi cho rằng ông ấy đang góp phần cho mối quan hệ song phương tốt hơn với Seoul. Nhưng tôi chưa chắc chắn về tiến trình để giải quyết các vấn đề liên quan tới KORUS (thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc) hay quan hệ Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan tới Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)”.
Tổng thống Trump đã chỉ trích KORUS là “tồi tệ” bởi ông cho rằng thỏa thuận này đóng vai trò nới rộng thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ và Hàn Quốc. Yonhap cho biết hiện tại các đàm phán vẫn đang diễn ra để cải thiện thỏa thuận này.
Ông Robert Manning tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) dự đoán: “Tôi cho rằng ít nhất có cơ hội 50-50 Tổng thống Trump sẽ khai tử KORUS”.
Trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ triển khai tại Hàn Quốc trong năm nay là nguồn cơn dẫn đến rạn nứt quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh. Bắc Kinh coi THAAD là mối đe dọa tới an ninh Trung Quốc mặc dù Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định hệ thống này chỉ mang tính chất phòng thủ.
Vài ngày trước cuộc gặp của Tổng thống Trump và ông Moon Jae-in, cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều tuyên bố thống nhất bình thường hóa mối quan hệ. Trong đó, Hàn Quốc cam kết không triển khai thêm THAAD.
Ông Evans Revere, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá động thái này cho thấy cánh cửa triển khai THAAD tại Hàn Quốc bị đóng lại ngay cả khi hệ thống này là cần thiết để bảo vệ lực lượng Mỹ và Hàn Quốc khỏi đe dọa từ Triều Tiên.
Ông Revere cũng cho biết nhiều chuyên gia Mỹ lo ngại khả năng Hàn Quốc từ chối sáng kiến “Ấn Độ-Thái Bình Dương” của ông Trump nhằm giảm tác động của Trung Quốc với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, ông Revere nhận xét các bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Moon Jae-in đã bộc lộ mục tiêu của Hàn Quốc là cân bằng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Mỗi sự thay đổi này là điều nhắc nhở rằng đằng sau sự hợp tác đang diễn ra giữa Mỹ-Hàn Quốc có những khác biệt và sự không kết nối đeo bám, chúng cần được nhận biết và quản lý cẩn trọng để giữ mối quan hệ song phương đúng hướng”, ông Revere kết luận.
Link gốc bài viết tại đây