Theo Nikkei Asia, Bộ Giao thông của Nhật Bản đang lên kế hoạch hủy bỏ các chứng chỉ để sản xuất ba mẫu xe ô tô của Daihatsu Motor, sau khi thông tin về hành vi gian lận trong quá trình kiểm tra sản phẩm của hãng xe này được tiết lộ hồi tháng 12. Daihatsu sẽ không thể sản xuất các phương tiện này cho đến khi hãng lấy lại được chứng chỉ.
Tetsuo Saito, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Vận tải và Du lịch của Nhật Bản, cho biết với các phóng viên vào ngày 16/1 rằng Bộ đã bắt đầu thủ tục để hủy chứng chỉ sản xuất với các mẫu xe của Daihatsu gồm Gran Max, TownAce (bán dưới thương hiệu Toyota) và Bongo (bán dưới thương hiệu Mazda).
Trước khi hủy giấy phép, Bộ sẽ tổ chức một phiên điều trần với công ty vào ngày 23/1.
Cơ quan có thẩm quyền này cũng dự định ban hành một quyết định theo Luật Vận tải Đường bộ vào chiều tối hôm nay, yêu cầu Daihatsu phải cải cách đáng kể cơ cấu tổ chức của mình.
Khi sản xuất ô tô mới, các thương hiệu tại Nhật Bản đầu tiên phải có được giấy chứng nhận bằng cách cung cấp một mẫu xe thử nghiệm. Chứng nhận sẽ được cấp sau khi mẫu xe vượt qua quy trình kiểm tra của Bộ Giao thông, xác định liệu nó có đáp ứng các yêu cầu về an toàn hay không.
Khi chứng nhận bị hủy bỏ, mỗi chiếc xe mới sẽ có lần tiếp theo phải trải qua quá trình kiểm tra và nhà sản xuất không thể sản xuất hàng loạt cho đến khi được cấp lại chứng nhận.
Hồi tháng 5/2023, một hội đồng độc lập đã tiến hành điều tra thương hiệu Daihatsu (thuộc tập đoàn Toyota) sau khi hãng này thừa nhận đã gian lận trong bài kiểm tra an toàn của 6 mẫu xe. Theo điều tra, có thêm 174 trường hợp gian lận được phát hiện, trong đó trường hợp lâu nhất là từ năm 1989. Tuy nhiên, các vụ gian lận đặc biệt phổ biến từ sau năm 2014.
Cụ thể, túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm an toàn của một số mẫu xe khác biệt so với túi khí trên xe bán ra thị trường, bao gồm các mẫu Toyota Town Ace và Pixis Joy cũng như Mazda Bongo.
Bên cạnh đó là các gian dối khác như tốc độ thử nghiệm va chạm không đúng chuẩn, gian lận khí thải, báo cáo giả mạo về tác động liên quan đến tựa đầu ghế. Tổng số mẫu xe liên quan đến bê bối theo đó tăng lên 64, gồm gần 20 mẫu được bán ra dưới thương hiệu Toyota.
Theo hội đồng độc lập, công ty đã ưu tiên phát triển ngắn hạn để cạnh tranh với các đối thủ. Điều này dẫn đến "áp lực cực độ do lịch trình phát triển quá chặt chẽ và cứng nhắc" và là nguồn cơn của những hành vi sai trái.
Nikkei Asia dự tính Daihatsu Motor có thể phải chịu thiệt hại hơn 100 tỷ yên (tương đương gần 17.000 tỷ đồng) do vụ scandal gian lận an toàn, bao gồm khoản chi phí đến từ việc đóng cửa nhà máy và bồi thường cho các nhà cung cấp.
Daihatsu là một trong những doanh nghiệp ôtô lâu đời nhất Nhật Bản, và trở thành một chi nhánh của Toyota vào năm 1998.
Nổi danh với các mẫu ô tô nhỏ và xe đa dụng, Daihatsu là nhà sản xuất có doanh số xe tải nhẹ bán chạy nhất Nhật Bản trong giai đoạn 2006-2016. Trong thời kỳ hoạt động thông thường, Daihatsu sản xuất được khoảng 4.000 xe mỗi ngày.
Tại Việt Nam, Toyota phân phối 5 dòng xe có liên quan trực tiếp tới Daihatsu, bao gồm: Wigo, Raize, Veloz Cross, Avanza Premio, và Yaris Cross. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Toyota chỉ mới xác nhận có mẫu Avanza Premio MT chịu ảnh hưởng từ bê bối của Daihatsu (liên quan đến thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu), còn các mẫu xe khác đều không ảnh hưởng.