Đằng sau bầu Đức, bầu Tú là trận chiến của "Kong" trên "hòn đảo" VFF?

Kinh Luân |

Cuối cùng, "cuộc chiến" mà bầu Đức phát động ngay trước thềm đại hội VFF nhắm vào bầu Tú đã kết thúc, khiến người hâm mộ bóng đá nước nhà thở phào? Không, nó chỉ mới bắt đầu.

1. Có những câu hỏi mà khi được đặt ra, tưởng chừng như quá dễ để trả lời, bởi đã được trả lời rõ ràng bởi những người trong cuộc, nhưng rốt cuộc sau những câu trả lời tưởng chừng như rất đích đáng, rất hợp lý ấy, lại lờ mờ hiện ra những điều... nhìn vậy, chứ hổng phải vậy.

Bầu Tú là người "ngoại đạo"? Bầu Đức đã hùng hồn phát biểu như thế, với lý luận rằng ông Trần Anh Tú chỉ biết đến futsal, chứ bóng đá thì biết gì mà làm.

Dĩ nhiên, bầu Tú là người tiên phong đưa futsal Việt Nam lên chuyên nghiệp, lên đỉnh cao World Cup, và nói đến ông bầu này, điều người ta nhớ đến đầu tiên là futsal, từ những ngày tự tay vào bếp rang cơm cho các tuyển thủ futsal, cho đến ngày cùng các cầu thủ của mình đưa Việt Nam đến lần đầu tiên đặt chân vào đấu trường lớn nhất thế giới.

Lời nhận xét của bầu Đức sẽ khiến nhiều người gật gù, nhưng chắc hẳn những cầu thủ futsal, các cầu thủ bóng đá nữ (bóng đá xịn, không phải futsal) chẳng thể khỏi ngậm ngùi, bởi họ bị gạt ra khỏi cái định nghĩa "bóng đá" mà FIFA đã đặt.

Đằng sau bầu Đức, bầu Tú là trận chiến của Kong trên hòn đảo VFF? - Ảnh 1.

Kỳ tích này có là "ngoại đạo" với bóng đá Việt Nam?

Dưới thời ông Trần Anh Tú làm chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM, việc đầu tiên của ông bầu này, ngoài việc tiếp tục đưa futsal theo con đường mà mình đã vạch sẵn, là xắn tay áo vào gây dựng bóng đá nữ và bóng đá nam của thành phố từ đào tạo trẻ.

Để rồi, dưới thời của ông, đội bóng đá nữ TP.HCM trở thành thế hệ kế cận cho bóng đá nữ Việt Nam, trong khi đó đội nam có suất dự V.League sau gần 4 năm "xóa đi xây lại".

Đấy là chưa tính đến hành trình 7 năm liền, tính từ năm 2011, Thái Sơn Nam - doanh nghiệp của bầu Tú là nhà tài trợ chính cho giải bóng đá U17 quốc gia. Xin nhắc lại, là bóng đá "xịn" - như định nghĩa của bầu Đức.

Những người "ngoại đạo" như thế, liệu có xứng đáng để đứng vào hàng ngũ lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam?

Đằng sau bầu Đức, bầu Tú là trận chiến của Kong trên hòn đảo VFF? - Ảnh 2.

Năm 2016 phủ đầy dấu ấn của bầu Tú, là futsal Việt Nam lọt vào World Cup, thậm chí vượt qua vòng đấu bảng, là bóng đá nữ TP.HCM lên ngôi vô địch quốc gia, là đội bóng đá nam TP.HCM giành suất lên V.League, và bầu Tú tái đắc cử chức chủ tịch liên đoàn bóng đá TP.HCM. Năm 2017, bầu Tú lĩnh thêm "ghế" ở VPF, bắt tay vào chấn chỉnh V.League.

Bên cạnh việc kinh doanh, ông Trần Anh Tú đều làm rất tốt những trọng trách của mình, và chẳng có ai ca thán rằng ông "tham quyền" quá, cho đến khi ông được đề cử vào chiếc ghế phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, tài trợ mà bầu Đức sớm nói lời chia tay sau thất bại đau đớn của HLV Hữu Thắng ở SEA Games 29.

2. Trong câu chuyện sôi sục rồi "hạ nhiệt" những ngày qua, chẳng khó khăn để nhận ra trên "sân khấu", chỉ có mỗi bầu Đức "độc diễn", bởi việc bầu Tú rút khỏi hai vị trí ở VPF đã được ông Tú nói từ hồi cuối năm 2017, chứ không phải chờ đến lúc bầu Đức lên tiếng thì ông bầu gốc Nghệ An này mới cuống cuồng "từ bớt chức".

Giữa tâm bão, người ta thấy ông Tú chỉ có một "tâm thư" nhẹ nhàng mong bầu Đức không từ bỏ bóng đá, theo lời "dọa" đầy sức nặng là cho Công Phượng, Xuân Trường... về quê làm ruộng, bỏ bóng đá. Từ chỉ trích đến dọa dẫm, rồi xuống nước, tất cả đều một tay bầu Đức "lo liệu".

Đằng sau bầu Đức, bầu Tú là trận chiến của Kong trên hòn đảo VFF? - Ảnh 3.

Bầu Đức đã thỏa mãn với sự "rút lui" của bầu Tú?

Chiếc ghế của bầu Tú ở VFF coi như đã được định đoạt sau động thái mới nhất của bầu Đức, nhưng trong màn khói lửa mịt mù ấy, người ta lờ mờ nhận ra rằng hóa ra sự mâu thuẫn giữa bầu Đức và bầu Tú là chẳng có thật, và những gì vừa xảy ra chỉ là đòn nghi binh cho một trận chiến khác, căng thẳng và quyết liệt hơn nhiều.

"Kong: Skull Island" - bộ phim bom tấn lập kỷ lục doanh thu chưa từng có tại Việt Nam hồi năm ngoái nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả Việt, bởi những cảnh quay "đẹp như mơ" tại Việt Nam, đẹp như kỳ tích lừng lẫy mà U23 Việt Nam vừa lập được hồi đầu năm ở giải U23 châu Á.

Nhưng cũng trong "Kong: Skull Island", có một diễn viên lạc lõng đến lạ. Cảnh Điềm - nữ diễn viên sinh năm 1988 của Trung Quốc bị chỉ trích dữ dội bởi vai trò của cô trong phim, theo nhận xét của rất nhiều khán giả, chỉ là xuất hiện để thu hút doanh thu từ thị trường Trung Quốc, và hoàn toàn "lạc quẻ" với kịch bản, diễn biến của bộ phim.

Đằng sau bầu Đức, bầu Tú là trận chiến của Kong trên hòn đảo VFF? - Ảnh 4.

Cảnh Điềm - cô diễn viên tài năng, xinh đẹp nhưng lạc lõng trong "Kong: Skull Island".

Bầu Tú và Cảnh Điềm, đặt trong bối cảnh cụ thể, khá dễ dàng để tìm ra những nét tương đồng. Họ đều rất xuất sắc trong chuyên môn, nhưng dường như lại trở thành "tốt thí" cũng trong chuyên môn của chính mình, nhưng lại vì một mục đích khác, mục đích chả lấy gì làm cao cả hay tốt đẹp, nhưng lại đầy toan tính.

Cũng trong "Kong: Skull Island", những gì loài người nhìn thấy và nghĩ rằng mình đã biết, đôi khi thực ra chỉ là một góc nhỏ, và thế giới vẫn còn đó đầy rẫy những góc khuất, với những cuộc chiến kinh hoàng, triền miên của những loài quái vật, như Kong, như Ramarak...

Trong "Kong: Skull Island", mỗi khi làn khói mờ sau trận chiến dần tan đi, là tiếng nhạc thót tim, là sự xuất hiện của một con quái vật mới. Và khi làn khói mờ của hàng tấn "bom lửa" mà bầu Đức quăng về phía bầu Tú đang tan đi, người ta cũng đã lờ mờ nhận ra sự xuất hiện của những nhân vật mới...

Đại hội VFF vẫn đang còn trước mặt, thì cuộc chiến này chưa thể nào ngả ngũ. Ai mới đích thực là Kong, là Ramarak... và chiến thắng sau cùng ngả về phe nào, đây chưa phải là lúc cho câu trả lời đâu.

Bầu Đức lại “gây bão” ở làng bóng Việt như thế nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại