Qua trao đổi, đại gia gỗ Đồng Kỵ cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho người mua, công ty CP Đấu giá Việt Nam giữ lại một phần trong số 24,5 tỷ đồng ông đã chuyển sau khi trúng đấu giá cây sưa.
“Trong hợp đồng quy định, sau 5 ngày khai thác xong, công ty này mới chuyển trả đủ số tiền còn lại. Mặc dù vậy, để thuận lòng người dân và được chặt sưa, tôi đã ứng trước số tiền này trả cho người dân”, vị đại gia kể.
Chia sẻ về chuyện đóng thuế quanh vụ mua bán cây sưa 200 tuổi, vị đại gia gỗ Đồng Kỵ cho hay, do mua bằng đấu giá nên bên mua không phải chịu thuế, còn phía bán là xã và dân có phải đóng thuế không thì ông không rõ.
Về số gỗ sưa vừa được chặt hạ, ông Hùy nói: "Hiện gia đình vẫn tạm để số gỗ từ cây sưa 200 tuổi ở trong kho và chưa làm gì".
Trước đó, chia sẻ với PV, vị đại gia gỗ Đồng Kỵ cho biết, chất lượng gỗ của “cụ” sưa 200 tuổi không có vấn đề gì và việc khai thác hôm 25/3 cũng không gặp khó khăn. Tuy nhiên, vị đại gia gỗ vẫn lo bị lỗ.
Ông chia sẻ: “Chất lượng gỗ bình thường, không thối không hà gì cả. Lượng gỗ có hụt so với khối lượng tôi tính toán, nhưng vì còn cành ngọn nên cũng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, tôi đang sợ lỗ vì thời gian đấu giá đã lâu, sau đó cây mới được chặt hạ”.
Về kế hoạch “xử lý” cây sưa, khi được PV hỏi rằng có ý định bán cây sưa này đi không, ông Hùy cho biết: “Trước hết cứ để ở kho, xưởng, sau đó tính toán theo lượng tiền khách đặt hàng, nếu họ chịu được thì mình mới làm”.
Trước đó, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn – ông Nguyễn Văn Hiến cho hay, số tiền bán sưa là 24,5 tỷ đồng (không có thuế GTGT).
Theo lãnh đạo xã Hà Mãn: “Sau khi trúng đấu giá, ông Hùy đã chuyển số tiền 24,5 tỷ đồng cho công ty đấu giá (công ty CP Đấu giá Việt Nam – PV) làm trung gian.
Thời điểm trước Tết, công ty đấu giá chuyển 15,5 tỷ đồng và sau Tết chuyển thêm 500 triệu đồng, tổng là 16 tỷ đồng.
Số tiền này được đưa cho nhân dân giữ lại và chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc. 8,5 tỷ còn lại sẽ được dùng để tu bổ đình chùa, khu di tích và các công trình phúc lợi trong thôn".
“Còn lại 8,5 tỷ đồng, Công ty này vẫn giữ. Họ yêu cầu sau khi khai thác sưa trả người đấu giá xong, họ sẽ trả hết tiền trong vòng 5 ngày.
Tuy nhiên, do người dân đề nghị chuyển tiền xong mới cho khai thác nên ông Hùy đã ứng trước số tiền này. Hiện tại số tiền này được gửi ngân hàng, do ban Cộng đồng dân cư đứng tên”, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn chia sẻ.
Gỗ sưa nằm trong mục cấm?
Theo danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, cây sưa (huê mộc vàng) có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis thuộc nhóm I, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Điều 6, Nghị định này quy định: "Thực vật rừng, động vật rừng nhóm I chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ cho nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo), quan hệ hợp tác quốc tế.
Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng nhóm I không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Như vậy, mọi hành vi mua, bán cây sưa đều vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó, bên bán không thể cung cấp hóa đơn Giá trị gia tăng cho bên mua.
Bên cạnh đó, cây sưa ở đình làng Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được xác định là tài sản phân tán cộng đồng nên xã đã phân chia tiền bán được cho người dân, điều này về mặt tình là phù hợp nhưng về mặt lý là sai, như đã nêu ở trên.
Nó sẽ là tiền lệ cho việc người dân trong cả nước bán những tài sản mà họ cho là của mình để lấy tiền chia nhau, kể cả khi những tài sản đó có giá trị bảo tồn rất lớn về mặt lịch sử hoặc khoa học và Nhà nước đã nghiêm cấm mua bán.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội)