Sau 3 năm làm nhân viên quèn, từng bị chê bai quát mắng, chẳng dám ước mơ sẽ được lên chức, nay tôi đã được làm sếp nhờ vào điều này

PV |

Ở đây chúng ta sẽ không bàn tới khả năng chuyên môn, giả sử rằng chúng ta chỉ đang xét tới những người thực sự có năng lực, luôn cố gắng trau dồi nghiệp vụ nhưng mãi vẫn là một nhân viên quèn, thì bạn hãy đọc thử những câu chuyện dưới đây.

1. Bản thân mình muốn đi xa tới đâu

"Khi tất cả những người bạn đồng trang lứa của ông bố tôi đều đã là lữ trưởng, sư trưởng, có vài người còn lên tướng, thì ông vẫn lẹt đẹt làm một trợ lý mẫn cán nhiều năm ở bộ tư lệnh. Luôn được tuyên dương và lúc nào cũng được nhận xét là rất giỏi về chuyên môn, nhưng cuối cùng cũng chỉ là những lời khen an ủi. 

Căn bản có lẽ là con người sống yên phận, không có tham vọng thì không tiến xa được trong bất kì lĩnh vực gì, dù có tài giỏi đến đâu, mình cho là vậy" – bạn Nguyễn Trường Xuân chia sẻ.

Hay như câu chuyện của chị Vân Anh "Chị làm vị trí chuyên viên này được 7 năm rồi, mà không được thăng chức, mặc dù làm việc tốt hơn mức yêu cầu, chị chịu trách nhiệm như một quản lý, làm những việc thuộc phạm vi của quản lý cấp cao và báo cáo trực tiếp cho CEO, nhưng 7 năm qua chẳng có gì thay đổi nhiều. Và khi ở một vị trí đó lâu năm quá rồi, thì lương sau này cũng tăng lên chẳng là bao".

Bạn có thể thấy điểm chính của cả hai câu chuyện này đều là, nếu bạn càng giỏi khi làm một việc nào đó, bạn càng có nguy cơ mắc kẹt hoài với công việc đó.

Động cơ của các ông chủ là giữ bạn ở vị trí mà bạn làm tốt nhất (và tạo ra nhiều lợi nhuận cho họ nhất). Nhiệm vụ của họ là quản lý tốt dòng tiền mà, họ cũng không thực sự có lỗi, bạn thấy hài lòng, không đòi hỏi thì họ cần gì phải gợi ý trả thêm cho bạn.

Vậy nên điều đầu tiên là, bạn sẽ cần phải học cách lên tiếng và để cho người ta biết được rằng bạn thực sự muốn tiến lên. Rất ít nơi nào mà bạn có thể vừa làm một nhân viên khiêm tốn hiền lành, vừa được lãnh đạo đề bạt. Ở hầu hết mọi nơi, bạn phải thể hiện cho mọi người thấy được điều đó một cách rõ ràng.

Chúng ta hãy nói về nghệ thuật đời sống một chút, đối với người khác, có lẽ đừng bao giờ tỏ ra với người ta là chúng ta hữu hạn. Vấn đề không phải là bản thân mình hữu hạn hay vô hạn, tốt đẹp hay non kém, vấn đề là chúng ta có thể cố gắng nhiều hơn nữa không, và chúng ta có thể sống cho nhau, cho công ty tới mức độ cao hơn nữa không, đó là điều người khác cần nhìn thấy và cảm nhận được.

Cho nên bước đầu tiên, quan trọng là bản thân bạn cần có ước mơ.

2. Nhưng giỏi chuyên môn khác với lãnh đạo giỏi!

Kỹ năng chuyên môn (của nhân viên) và kỹ năng quản lý (của sếp) là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau. Một nhân viên chăm chỉ, làm tốt công việc chưa chắc đã có các kĩ năng quản lý, đủ để được mọi người tôn trọng-thừa nhận và được đề bạt ở một chức vụ khác cao hơn.

Vậy nên câu trả lời của tôi đó là, khi bạn đang làm nhân viên, hãy bắt đầu tích lũy kỹ năng của một lãnh đạo, và xây dựng đội ngũ "nhân viên" cho chính mình.

Tôi đã được đọc một câu chuyện thế này: Có một nhân viên đang mang thai tháng thứ tám mới đến làm việc tại chi nhánh. Một hôm cô ở lại đến khuya để hoàn tất công việc. Khi vô tình ngước lên, cô giật mình vì thấy một người đang đứng ngay ngưỡng cửa. 

Sau khi bước vào, người này nhẹ nhàng hỏi thăm về tình hình công việc, tiếp đến là hoàn cảnh gia đình, ông cũng muốn biết xem cô ấy đam mê công việc ra sao, có dự tính gì cho sự nghiệp của mình và liệu cô có quay trở lại làm việc sau khi sinh xong hay không.

Cho đến khi cô nghỉ thai sản, hai người đã thường xuyên trò chuyện riêng. Và người đàn ông đó chính là huyền thoại quảng cáo David Ogilvy, còn nhân viên nữ là Shelley Lazarus, hiện là CEO của Ogilvy & Mather – một trong những tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới do ông Ogilvy sáng lập. Lazarus bồi hồi kể lại câu chuyện ngày trước, cô cho rằng một trong những lý do chính khiến mình gắn bó với công ty và tôn trọng người đàn ông ấy chính là những buổi trò chuyện sau giờ làm việc.

Trong văn hóa của chúng ta có một tư duy gọi là "tặng quà", món quà quan trọng nhất là làm sao để thể hiện được mình một cách chân thành nhất, phải vậy không?

Nếu như chúng ta tặng nhau những món quà rất đắt tiền, lương thưởng chẳng hạn, chúng ta cứ tưởng lúc đấy là có được lòng tin, sự cố gắng nỗ lực của người đó, hoặc có được sự yêu mến của nhau, nhưng không phải vậy.

Những thứ càng có giá trị càng mang tính chất là "lấy lòng", xét về tâm lý, sâu thẳm trong chúng ta càng không coi trọng nó. Nó chính là một mấu chốt ở trong cách ứng xử của người phương Đông. Một người đến với mình bằng một món quà càng nhiều tiền thì đối với chúng ta người này càng khó tin cậy, nguyên tắc là thế, bởi vì người này không đến với lòng chân thành.

Có rất nhiều điều khác mà chúng ta có thể làm trong văn hóa "tặng-quà". Chẳng hạn một chị đồng nghiệp của tôi định mua một cái máy tính mới, tôi không có tiền cho chị ấy, đương nhiên rồi. Nhưng tôi lại có thể làm một việc, đó là tìm thông tin về loại máy phù hợp với chị, và giới thiệu cho chị ấy một người bạn giỏi về máy tính. 

Tôi bộc lộ cho chị ấy hiểu rõ rằng tôi đang rất quan tâm điều chị làm, điều đó khiến chị ấy cảm động. Và sau đấy, dù chị có mua cái máy tôi giới thiệu hay không, thì chị cũng tin tưởng để chia sẻ, hỏi ý kiến tôi.

Ờ đây điều mà chúng tôi "tặng" cho nhau chính là lòng tin và sự chân thành.

3. Sự cho đi - Lãnh đạo theo phong cách huấn luyện

Phong cách huấn luyện của Ogilvy mà trong cuốn sách "Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc" đã nhắc tới bao gồm sự chân thành, thấu hiểu ấy. Những buổi trò chuyện với nhân viên cấp dưới, không chỉ những mối bận tâm trước mắt trong công việc, mà còn là để tìm hiểu thêm đời sống cá nhân của nhân viên, hoài bão, mục tiêu cuộc đời.

Và quan trọng hơn cả, là phát hiện ra và giúp phát huy những điểm mạnh của cá nhân mỗi người, mà có thể bản thân họ còn chưa kịp nhận ra. Tất cả những điều ấy giúp ông gắn kết từng thành viên thành một tập thể đoàn kết và thấu hiểu nhau. Mà ông chính là trung tâm của tập thể đó.

Nếu như tôi là giám đốc, thì bản thân tôi là người đứng đầu muốn kết nối với mọi người rất dễ, vài câu nói đã thành rồi. Nhưng khi ở trong một tình thế mà mình không có địa vị đấy, thì cần phải rất chủ động và nỗ lực, để dẫn mọi người vào một lí tưởng chung, phải kết nối từng người một, quan tâm đến sự cống hiến của từng người, thúc đẩy từng người ngày này qua tháng lại. Cái gánh nặng của một người tự biến mình thành "trung tâm" là rất nặng nề.

Ai có thể làm chuyện này, phải là một người có lòng tin với đồng nghiệp của mình, nhưng lại là có người có chuyên môn, biết chỗ mà họ cần, họ thiếu, xong rồi thúc đẩy những người đồng nghiệp của mình dần dần lên.

Ví dụ, tôi phát hiện ra một người vô cùng chăm chỉ, cần mẫn sau này có thể rất hợp làm một kế toán thuế giỏi, tôi phát hiện ra một bạn nhân viên sale mới vào làm được 2 tháng đã chốt được một hợp đồng dù nhỏ nhưng với một người như thế, tôi nhận định "có tiềm năng trở thành vua dự án". Thế thì điều tôi làm là gì, tôi trao cho mỗi người một tên gọi gì đấy, một khát vọng gì đấy, tôi nói với mọi người trong công ty về họ. Như thế người đó sẽ có một khát vọng cá nhân của riêng mình, họ sẽ cố gắng vì chính sự phi thường của mình, chứ không phải vì lợi nhuận hay doanh số.

Điều này cần bạn phải thấu hiểu, thấu triệt từng người. Đó là khả năng đặc biệt mà bất cứ ai muốn trở thành một lãnh đạo giỏi đều cần có – khả năng lãnh đạo theo phong cách huấn luyện.

Theo quan niệm thông thường sếp phải là một huấn luyện viên tài giỏi, biết chia sẻ, nâng được người khác lên và là một người có khả năng kết nối các bộ phận. Cho nên nếu ai làm được điều đó trong văn phòng của bạn, người ấy có tiềm năng để được tập thể ấy vô thức đánh giá là người đảm nhiệm được vị trí lãnh đạo.

4. Phía sau phong cách lãnh đạo huấn luyện là năng lực phát triển bồi dưỡng cho người khác.

Để có thể nhìn ra cái tốt của mỗi người, thì lúc ấy ta phải người tìm ra được điều cao quý ở mỗi người và thúc đẩy điều cao quý đấy – đấy là chuyện rất quan trọng.

Đôi khi phong cách huấn luyện chú trọng nhiều hơn vào việc giúp đỡ, khuyến khích nhân viên mới thiếu kinh nghiệm, hoặc những đồng nghiệp cần giúp đỡ. Với vai trò là người huấn luyện, chúng ta có thể giúp mọi người hiểu về khả năng và mục tiêu của mình nhằm cải thiện bản thân. Kỹ năng huấn luyện liên quan chặt chẽ đến hai Năng lực của trí tuệ cảm xúc đó là: Tự nhận thức và Sự thấu cảm.

Bất cứ ai muốn trở thành lãnh đạo đều cần có hai khả năng này, để giúp mọi người đoàn kết với nhau hơn, tránh cho mỗi cá nhân cảm thấy rằng mình chỉ là công cụ và dẫn tới tổn thương. Sự thấu cảm giúp người lãnh đạo điềm tĩnh lắng nghe trước khi phản ứng hoặc đưa ra đánh giá. Luôn biết cân nhắc trước khi hành động, đảm bảo rằng toàn bộ quá trình tạo ra lợi ích cho nhân viên đó chứ không phải cho chính mình. Qua đấy, bản thân mỗi người sẽ cảm nhận được sự quan tâm của ấy và để đáp lại, họ sẽ cố gắng làm việc hết mình.

5. Kết

Bốn điều này nếu thực hiện được cùng một lúc thì chúng ta có thể thực hiện được điều phi thường. Bạn nghĩ mà xem, bạn sẽ cần nỗ lực cho chính mình, đồng thời biết chia sẻ, biết lắng nghe, biết quan tâm, hướng dẫn mọi người xung quanh. 

Rất mệt đúng không? 

Tất cả những việc đấy không hề đơn giản. Cần phải có ý chí, nghị lực, phải có sự kiên định để thực hiện tất cả những điều này, nhưng kết quả bạn nhận được sẽ là xứng đáng với những gì bạn thực sự bỏ ra.

*Bài viết được lược trích từ cuốn sách "Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc" theo quan điểm của các tác giả Daniel Goleman, Richard Boyatzis, Annie Mckee nằm trong bộ sách "Harvard Business Review Press".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại