15 năm nhảy việc triền miên vì "không chịu nổi sự phẳng lặng"
Gặp Đào Thu Hiền - người đàn bà vừa bước qua tuổi 40 chưa lâu, ánh mắt rạng ngời tự tin và từng trải, "khuyến mại" thêm nụ cười rất ngọt ngào, rất dễ để có ý nghĩ rằng, CEO nữ này là con của một gia đình có điều kiện, và sự nghiệp của chị được ấp ủ, nâng đỡ bởi một gia sản kha khá của tư gia.
Thật bất ngờ, từng trải và tự tin thì chắc rồi, nhưng gia thế của chị chẳng lấy gì làm "khủng". Thu Hiền đã gầy dựng một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, kỹ năng và tư vấn du học Mỹ - từ những trải nghiệm, kiến thức và vốn liếng của riêng mình, sau khi chị trở về từ hành trình 15 năm "ngao du" nước ngoài.
Chị Đào Thu Hiền, người sau 15 năm "vi vu" ở nước ngoài đã về sáng lập một tổ chức đào tạo tiếng Anh và du học Mỹ.
Điều thú vị là, trong khi nhiều phụ nữ kiếm tìm thành công ở sự ổn định, vững bền trong sự nghiệp, Thu Hiền lại là người thích... nhảy việc. Trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục, chị đã từng thử thách mình ở nhiều vị trí, nhiều công việc khác biệt, nếu không muốn nói có đôi chút lệch pha.
Tốt nghiệp Đại học ngành báo chí ở Việt Nam, chị trở thành trợ lý báo chí cho hãng tin AP từ năm 1994 - 1997. Cảm thấy vẫn còn thiêu thiếu, chị nghỉ việc để sang Mỹ học khóa Thạc sĩ Báo chí ở Đại học Columbia (New York, Mỹ).
Chị Hiền trong thời gian làm báo ở Mỹ.
2 năm sau, tốt nghiệp Thạc sĩ Báo chí, chị lại vi vu sang... Cote d'Ivoire (Bờ Biển Ngà, một quốc gia xinh đẹp nằm ở Tây Phi) để làm phóng viên tự do tại đây.
Đến năm 1999, cảm thấy đã hưởng đủ không khí ở châu Phi, chị tiếp tục cuộc trải nghiệm nghề nghiệp của mình ở Toronto (Canada), đầu quân cho hãng tin Bloomberg LP - hãng tin kinh tế tài chính lớn nhất thế giới. Chị gắn bó với công việc và hãng tin này cho đến năm 2003.
Rồi như tự thấy trải nghiệm với nghề báo đã đủ đầy, ở tuổi 30, Thu Hiền quyết định, mình sẽ không làm nhà báo, nghề báo nữa mà sẽ chuyển hướng sang một lĩnh vực khác nhiều thử thách hơn. Chị lại quay về Mỹ, trở thành học viên cao học tại Harvard, theo đuổi ngành quản lý công và lấy bằng Thạc sĩ ở trường này.
Với khát vọng dấn thân vào một thành phố Mỹ, làm việc tại Mỹ, Thu Hiền trở thành nhân viên trong Văn phòng Thị trưởng New York năm 2005 và bắt đầu công việc mới lạ và đầy thách thứ: quản lý dự án tài chính.
Chị Thu Hiền và bạn học trong ngày lễ tốt nghiệp ở Harvard.
Những tưởng, người phụ nữ này sẽ thấy yên ổn với lựa chọn của mình, nhưng khi công việc khiến chị cảm thấy hơi... trì trệ và yên bình, năm 2007, Thu Hiền lại chuyển sang công tác tại Sở Thuế New York. Làm ở Sở Thuế là một trải nghiệm khác hẳn, năng động, nhộn nhịp và đầy áp lực.
Sở Thuế New York có chỉ tiêu và trách nhiệm truy thu 30 tỷ USD/năm từ các công dân, doanh nghiệp kinh doanh, thuế bất động sản... của thành phố này. Nhóm của chị khi đó chịu trách nhiệm hỗ trợ cải tổ hành chính trong việc thu thuế nhằm tạo doanh thu lớn hơn (thu thuế triệt để hơn) cho thành phố.
Một trong những dự án thách thức và đáng nhớ nhất chị trực tiếp làm, đó là vào năm 2009, khi nước Mỹ đang trong cơn khủng hoảng tài chính, Sở Thuế New York phát hiện ra họ có 5 tỷ USD tiền thuế có khả năng không thu hồi được, và một chiến dịch được lập ra với kỳ vọng sẽ thu được 1/5 số này. Cuối cùng, kết thúc chiến dịch, họ cũng thu được 1 tỷ USD, đúng như kỳ vọng.
15 năm ở nước ngoài là những tháng ngày đầy ắp trải nghiệm đối với chị.
Tận hưởng một ít niềm vui sau thành công rực rỡ đó, Thu Hiền lại tiếp tục... nhảy việc. Người đàn bà với hai bằng Thạc sĩ báo chí và quản lý công tại hai trường hàng đầu nước Mỹ trở thành một tư vấn viên độc lập (consulting) cho một tổ chức ở New York, tư vấn giáo dục và phát triển hợp đồng, năm 2010.
Trong thời gian làm công việc này, chị đã có ý định, một lần nữa, chuyển hướng công việc, làm một cái gì đó cho riêng mình, tạo lập sự nghiệp cá nhân, và đã manh nha nghĩ đến chuyện sẽ trở về Việt Nam.
Ý tưởng ấy vẫn nằm trong đầu, cho đến một ngày, một nam đồng nghiệp của chị đi công tác ở Việt Nam về, hào hứng bảo: "Hiền ạ, lâu rồi bạn có về Việt Nam không? Việt Nam bây giờ tuyệt vời lắm. Nếu bạn về đó làm việc, chắc chắn bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa".
Và thế là, năm 2012, sau 15 năm ngao du ở nước ngoài, trải nghiệm đủ cảm giác ở nhiều nghề, nhiều quốc gia, Thu Hiền rời bỏ New York phồn hoa và trở về Việt Nam. 1 năm sau đó, chị tạo lập sự nghiệp riêng và đang dồn sức nuôi dưỡng đứa con tinh thần này.
Đừng ngại nhảy việc, nhưng hãy nhảy một cách có tính toán
Lý giải về quyết định có vẻ "ngược đời" của mình, chị cười xòa, bảo mình đã trải nghiệm rất nhiều rồi, và chị tin, kinh nghiệm và những kiến thức tích lũy được sẽ có ích hơn khi về Việt Nam.
"Ở Mỹ, người có hai bằng Thạc sĩ, có trải nghiệm nghề nghiệp tương tự như tôi không hiếm. Tôi tin rằng, ở Việt Nam, tôi sẽ có nhiều cơ hội và cảm hứng phát triển nghề nghiệp mới, và có thể sẽ có đóng góp nhiều hơn, có người cần mình hơn.
Cũng có nhiều người bảo tôi, sao lại "phí" thế, người ta đang muốn vi vu nước này nước kia chẳng được, tôi lại về; nhưng có sao đâu, cơ hội để đi và sống ở nước ngoài luôn mở rộng với tôi, và về Việt Nam là một lựa chọn mà tôi tin là đúng đắn trong lúc này!".
Rời bỏ những phồn hoa, nhộn nhịp ở trời Tây... (Ảnh chụp tại Amsterdam, 2009)
Thu Hiền không nhìn chuyện chị nhảy việc triền miên là một điều kỳ cục, dù bạn bè và gia đình chị thường xuyên thắc mắc: đang làm tốt thế, đổi việc làm gì. Trái lại, chị nhìn thấy một sự xuyên suốt trong hành trình khám phá bản thân mình qua những nghề đã làm, đó là vai trò "người kể chuyện".
Với chị, nhà báo, làm chính khách hay doanh nhân, tất cả đều chỉ là cách chị đang kể những câu chuyện cuộc sống, câu chuyện của thế giới và của bản thân mình.
Bởi thế, việc mà công ty của chị đang làm: đào tạo tiếng Anh, kỹ năng, trại hè, du học Mỹ cũng như là tư vấn độc lập cho các chương trình đào tạo, với Thu Hiền không phải là câu chuyện kinh doanh, mà là chuyện của một thị trường giáo dục mới, và cái chị bán là ý tưởng, tầm nhìn của tương lai.
... chị trở về Việt Nam lập nghiệp và hạnh phúc với quyết định đó.
Hẳn nhiên, chị không "xúi bẩy" những phụ nữ khác nhảy việc mỗi khi chán nản hay ấm ức với công việc.
"Mỗi nghề, tôi đều làm khoảng 7 - 8 năm, không quá dài để trở thành sự nghiệp, nhưng cũng đủ đầy trải nghiệm. Đến giờ, chắc tôi sẽ không nhảy việc nữa đâu (cười lớn), vì còn nhiều thứ để khám phá và xây dựng.
Điều quan trọng không phải là bạn có nên nhảy việc hay không, mà là bạn phải thực sự nghiêm túc về chuyện đó, có kế hoạch và suy nghĩ thật kỹ, đầu tư cho nghề nghiệp mới trước khi làm thật. Mỗi khi chuyển nghề, tôi đều đi học hoặc dồn hết vốn liếng của mình để làm cái mới, và tự cho mình vào thế phải tiến lên bằng mọi giá, nếu không muốn trắng tay.
Bên cạnh đó, bạn vẫn phải chừa chỗ cho sự thất bại nữa. Thất bại không có nghĩa là lãng phí thời gian hay cơ hội, nó vẫn có giá trị riêng. Nếu ta đã đầu tư tiền bạc, trí tuệ, công sức nghiêm túc, thất bại đó không đáng trách".
Người phụ nữ độc thân vi vu ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2008.
Thu Hiền cũng thẳng thắn bảo, khả năng được tự do để trải nghiệm và trở thành con người của công việc của chị là do cái sự... độc thân mang lại.
"Từ khi còn trẻ, tôi đã không bao giờ tin mình làm việc kém hơn đàn ông. Tôi luôn nhìn thành công của đàn ông ở thế ngang bằng. Nhưng tôi luôn ngưỡng mộ những người phụ nữ có gia đình mà vẫn thành công trong sự nghiệp, bởi lẽ, họ đang làm song song hai việc, phát triển hai sự nghiệp cùng lúc.
Tôi cảm thấy mình có lợi thế hơn so với họ. Khi có gia đình, có con cái, việc cân nhắc có nên chạy theo đam mê, nhảy việc hay an phận, quả thực là một bài toán khó!".
Điều quan trọng nhất với phụ nữ là gì?
Người đàn bà đã trải qua gần một nửa cuộc đời mình để khám phá thế giới, mở rộng trải nghiệm bản thân và vẫn đang kể tiếp câu chuyện cuộc đời mình bảo, chị nghĩ, thành công quan trọng nhất của phụ nữ đó là họ nên cho mình quyền được lựa chọn, tự tin và theo đuổi đến cùng, có trách nhiệm với thứ mình quyết định.
Trước khi về Việt Nam, chị sống ở New York - thành phố đại diện cho giấc mơ đầy màu sắc của bất cứ ai say mê nước Mỹ, thành phố mà ở đó, cảm giác như sự nhộn nhịp và rộn rã của nó khiến cho bất cứ ai cũng có thể single mãi mãi mà chẳng bao giờ nhàm tẻ, với mức lương cứng 140.000 USD/năm, chưa tính thưởng "mềm", nhưng khi đã quyết định về, chị chẳng có gì tiếc nuối.
"Ở một thành phố như New York, người ta có cảm giác có thể single suốt đời".
"Tôi ở nước ngoài 15 năm, gần như không giữ liên lạc với gia đình, cũng không nhiều thời gian lên mạng, đọc tin tức hay tìm hiểu về nước mình trong thời gian đó, chỉ tập trung làm việc tôi, nên với tôi, về Việt Nam cũng tương tự như mình đang đến một đất nước, hoàn toàn mới mẻ và đầy những bí ẩn cần khám phá.
Tôi có cảm giác, mình sinh ra để nhận thử thách và không thích phẳng lặng. Bắt đầu thấy cuộc sống bình lặng một tí, tôi phải khuấy lên ngay (cười)" - nữ CEO tiết lộ.
"Điều quan trọng nhất không phải là tiền, danh vọng hay sự nghiệp, mà là đến cuối ngày, bạn nhận được cảm giác hạnh phúc!". (Ảnh chụp tại Berlin, 2010)
Trầm ngâm một chút, Thu Hiền hỏi tôi: "Bạn có biết, điều quan trọng nhất với người phụ nữ là gì không? Đến khi đang trong tuổi 30, tôi vẫn còn băn khoăn, loay hoay với hàng trăm đáp án, vẫn còn "bức xúc" về chuyện, cuối cùng thì phụ nữ cần làm việc vì điều gì: là tiền, biệt thự, ô tô, sự nghiệp hay gia đình... Đâu mới là tiêu chuẩn cho sự thành đạt?
Và mãi đến khi sang tuổi 40, tôi mới chợt nhận ra rằng, chẳng có gì gọi là tiêu chuẩn cả. Điều quan trọng nhất với phụ nữ, đó là đến cuối ngày, ta nhận được cảm giác hạnh phúc, bình an, và một nụ cười hài lòng, thế là đủ".