“Sát thủ” Tiến Linh và triết lý mài ngọc của thầy Park

Hoài Thu |

Siêu phẩm của Tiến Linh giúp Việt Nam hạ UAE 1-0, vươn lên dẫn đầu bảng G vòng loại World Cup 2022 và phía sau bàn thắng quyết định đó là hành trình vươn lên đi tìm sự thừa nhận của một “sát thủ…

"Khi bóng đến chân và quan sát thấy thủ môn đối phương lên cao, tôi quyết định dứt điểm thôi. Cũng bất ngờ khi bóng bay vào lưới lắm, khi có bàn thắng rồi thì vỡ òa trong cảm xúc…". Tiến Linh chia sẻ sau bàn thắng quan trọng vào lưới UAE.

Nói thì có vẻ dễ dàng nhưng để có những bước chạy trên thảm cỏ Mỹ Đình, pha ra chân ấy đối với cầu thủ Bình Dương không hề đơn giản, kiểu "quăng đại chân và bóng vào lưới".

“Sát thủ” Tiến Linh và triết lý mài ngọc của thầy Park - Ảnh 1.

Hơn một năm được gọi lên đội tuyển quốc gia Việt Nam, Tiến Linh đã có được niềm tin từ nơi huấn luyện viên Park Hang-seo. Ảnh: HOÀI THU

"Sát thủ" đi tìm sự thừa nhận

HLV Trần Minh Chiến từng chia sẻ về cậu học trò thế này: "Đằng sau vẻ lờ đờ của Linh là phẩm chất của một tay săn bàn giàu tiềm năng. Linh rất thông minh và là mẫu trung phong biết chọn điểm rơi, kết thúc cầu môn tốt".

Nhiều người nghĩ rằng đó là câu nói nhận xét của một người "thầy ruột" dành cho học trò cưng. Nhưng không, ông Chiến chứng minh bằng việc đưa Tiến Linh vào đội hình Bình Dương tham dự V.League 2018, đá chính thay cho Đức "Eto" vốn "trận tắc, trận bụp" vì chấn thương hành hạ.

“Sát thủ” Tiến Linh và triết lý mài ngọc của thầy Park - Ảnh 2.

HLV Trần Minh Chiến là thầy ruột của Tiến Linh.

Kết thúc mùa 2018, Linh ghi 15 bàn và trở thành chân sút nội xuất sắc nhất, được huấn luyện viên Park Hang-seo triệu tập lên đội tuyển chuẩn bị cho AFF Cup 2018.

Phút 71, trận đấu mở màn AFF Cup 2018 giữa Lào và Việt Nam, Linh vào sân thay cho "đàn anh" Anh Đức. Trong khoảng hơn 20 phút, chàng tiền đạo này không thể hiện được nhiều điều trước một đối thủ yếu. Khởi đầu của Linh "chân gỗ" dưới triều đại ông Park nhạt nhòa như thế đó.

Tưởng chừng có bước đệm cho cầu thủ sinh năm 1997 vươn nhưng không mọi thứ không dễ. Chiều cao lý tưởng, chạy chỗ tốt và có duyên ghi bàn với kỹ năng đá lưới, thế nhưng không đồng nghĩa với việc được một suất cứng. Tiến Linh còn cần nhiều hơn thế, hoàn thiện nhiều hơn để được thừa nhận.

“Sát thủ” Tiến Linh và triết lý mài ngọc của thầy Park - Ảnh 3.

Huấn luyện viên Park Hang-seo luôn muốn các học trò của mình phải có được sự khát khao cần thiết trước khi bước vào một "trận chiến". Ảnh: HOÀI THU

Cách rèn ngọc thô của thầy Park

"Trọng Hùng là một cầu thủ tài năng và sẽ phát triển rất nhanh trong vòng 1-2 năm tới, giống như Phan Văn Đức", ông Park chia sẻ. Nhưng Trọng Hùng vẫn chưa có một phút nào ra sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Khát khao, khát khao hơn nữa là điều ông Park muốn các học trò phải có trước mỗi trận đấu, giải đấu. Và Tiến Linh là người hiểu điều đó hơn ai hết.

"Linh là một cầu thủ tốt. Sau khi kết thúc trận đấu với Thái Lan, cậu ấy sẽ cùng tôi quay trở lại đội tuyển U22 Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games", ông Park tuyên bố. Nó cho thấy, Linh "chân gỗ" ngày nào bây giờ đóng vai trò quan trọng trong mắt vị chiến lược gia người Hàn Quốc, dù chính ông từng loại anh khỏi danh sách King’s Cup 2019 và ASIAD 2018.

Ông Park muốn cậu học trò phải có đủ sự khát khao mạnh mẽ nhất để vượt lên trở thành tiền đạo hàng đầu để có thể trao trọng trách lĩnh xướng hàng công trong tương lai. Và quan trọng hơn cả, ông muốn Linh nhìn lại mình đang ở đâu, còn thiếu những điểm gì.

Trận gặp Thái Lan trên đất Thái, Tiến Linh đá chính với trọng trách cày nát hàng phòng ngự đối phương để tạo áp lực đủ lớn chủ nhà không thể dâng cao đội hình. Vậy nhưng tiền đạo trẻ này lại chơi vật vờ, không tạo sức ép hay làm tường cho tuyến 2, bị thay thế anh Công Phượng sau hiệp 1.

Và rồi trận đấu trên sân Mỹ Đình ngày 10.10, Tiến Linh thậm chí còn không được vào sân. Ông Park muốn Linh nhìn lại những gì và quan trọng hơn, muốn cậu học trò hiểu rằng không ai là không thể thay thế.

Như một chiếc lò xo bị dồn nén đến cực đại, Tiến Linh ăn mừng một cách điên cuồng sau bàn thắng thứ 3 tung nóc lưới Indonesia trong chiến thắng 3-1. Và bàn thắng vào lưới Thái Lan ở Mỹ Đình cũng vỡ òa không kém.

“Sát thủ” Tiến Linh và triết lý mài ngọc của thầy Park - Ảnh 4.

Tiến Linh ăn mừng cùng đồng đội. Ảnh: H.A

Sự khát khao, quả cảm, miệt mài đã được đền đáp xứng đáng, cậu học trò nhỏ cũng đã không phụ sự kỳ vọng của thầy. Tiến Linh thi đấu tốt 2 trận liên tiếp, nhưng ai dám chắc được anh sẽ được ra sân từ đầu trong trận đấu gặp Thái Lan? Nếu Tiến Linh dừng lại, thỏa mãn thì thầy Park cũng sẽ dừng sự tin tưởng.

Tiếp tục rèn giũa, kiên trì và không ngừng khát khao hay dừng lại, đó là lựa chọn của Tiến Linh. Còn với ông Park, đơn giản là "nên quên đi trận thắng ngày hôm nay, trận đấu gặp Thái Lan sắp tới mới là trận đấu quan trọng nhất của năm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại