Sáng 28.7, đoàn công tác tỉnh An Giang do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình dẫn đầu đã đến hiện trường tìm hiểu tình hình sạt lở đe dọa Quốc lộ 91 đoạn đi qua địa bàn tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.
Có sự trùng hợp khá hy hữu tại ven bờ con sông tạo ra danh xưng 9 rồng (Cửu Long), đó là vị trí rạn nứt cách đoạn sạt lở 9 năm trước đúng 90m. Và vụ sạt lở 9 năm trước (năm 2010) đã làm 90 m Quốc lộ 91 rơi xuống đáy sông, gây ra ảnh hưởng lớn cho việc đi lại.
Vết nứt mặt đường trên Quốc lộ 91. Ảnh: LT
Qua tìm hiểu thực tế và lắng nghe ý kiến tham mưu của ban ngành chuyên môn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng với diễn biến rạn nứt mặt đường như hiện nay, nhiều nguy cơ Quốc lộ 91 bị sạt lở xuống Sông Hậu với nhiều tác động khó lường.
Bởi ngoài việc đe dọa đến nhà cửa người dân trong khu vực, đây là tuyến giao thông đường bộ huyết mạch của tỉnh An Giang nối Long Xuyên – Châu Đốc và nước bạn Campuchia.
Chính vì sự quan trọng đó, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu lãnh đạo xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú khẩn trương thiết lập vùng không an toàn và tiến hành lắp đặt biển báo nguy hiểm, bố trí người canh giữ 24/24, không để bất cứ người dân hay phương tiện tham gia giao thông ra vào trái phép, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân trong vùng nguy cơ, di dời các hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Vị trí răn nét nằm sát bờ sông Hậu. Ảnh: LT
"Sở GTVT phối hợp Sở TNMT khẩn trương khảo sát, báo cáo nhanh đến cơ quan chức năng biết để có hướng xử lý kịp thời, bảo đảm giao thông được an toàn trong thời gian tới”- ông Bình nhấn mạnh thêm - “Sở NNPTNT khẩn trương tổ chức hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành”.
Hàng quán trong khu vực nguy cơ được tổ chức di dời. Ảnh: LT
Được biết, vào hồi 7h30 ngày 27.7, mặt đường Quốc lộ 91 đoạn đi qua ấp Bình Tân, xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên mặt đường Quốc lộ 91, vết nứt sâu vào 1/3 mặt đường, với chiều dài khoảng 30m.
Đến 6h ngày 28.7, vết nứt tiếp tục mở rộng phần miệng thêm lên 1,5 - 2,0cm so với ngày 27.7.
Hiện cơ quan chức năng đang khảo sát, phân tích nguyên nhân, nhưng bước đầu xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu gây ra hiện tượng rạn nứt.
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra cách dây 9 năm. Ảnh: LT
Vách bờ sông Hậu sau vụ sạt lở. Ảnh: LT