Khẩn cấp ngăn chặn nước chảy vào trong thân khối trượt
Như đã đưa tin, sau khi mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ngày 7/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình này. Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh này.
Sụt lún trên đường Hồ Chí Minh qua TP. Gia Nghĩa được xác định nguyên nhân do nước ngầm
Đến ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với Hồ chứa nước Đắk N'ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), đường Hồ Chí Minh tại Km 1.900+350 (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa); sạt trượt khu vực Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) do mưa lũ kéo dài gây ra. Theo nhận định của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, cả 5 điểm trên đều có hiện trạng là các cung trượt, nằm ở nơi giao nhau của các đứt gãy.
Các khu vực này đều có đặc điểm chung là bất ổn về mặt địa hình, địa chất. Theo TS. Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, các khu vực sạt trượt này có dấu hiệu diễn biến phức tạp, cần thời gian theo dõi. Liên đoàn cũng đề xuất Đắk Nông nên đầu tư đề tài khảo sát, cảnh báo và dự báo vùng nguy cơ sạt lở đất trên toàn tỉnh. Nguyên nhân gây sạt lở ở Tây Nguyên. Đánh giá về nguyên nhân gây sạt lở ở Tây Nguyên, TS Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, đây được xác định là "trượt đất", hiện tượng này thường xảy ở những nơi có địa hình dốc trong lớp vỏ phong hóa của đá.
Đã có một nhà dân bị thiệt hại do sạt lở
Theo thời gian, đá bị phong hóa và trong lớp vỏ phong hóa tơi xốp như đất chứa các khoáng vật sét, đặc biệt là montmorillonite rất nhạy cảm với nước. Khi mưa xuống, một lượng nước sẽ ngấm vào đất, làm tăng độ ẩm, tăng khả năng trương nở của đất. Ngoài ra, địa hình ở Tây Nguyên đồi dốc cao, khi độ ẩm tăng làm suy giảm độ bền của đất, làm lực gây trượt tăng lên cùng với áp lực trương nở bên trong khối trượt đẩy ra phía ngoài gây hiện tượng trượt lở phát triển.
Các vết nứt xuất hiện khi khối trượt đã hình thành. Vết nứt càng rộng và kéo dài thì khối trượt càng lớn. Giải pháp xử lý được TS Nguyễn Quốc Thành chỉ ra là cấp thiết phải tiến hành ngay các giải pháp ngăn chặn nước chảy vào trong thân khối trượt. Trên mặt mái dốc phải được bảo vệ bằng các giải pháp thích hợp như trồng cỏ hoặc phủ vữa xi măng, bitum chống sự xâm nhập phá hoại trực tiếp từ nước mưa.
PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT) cho rằng, hiện nay ở nhiều nơi, không chỉ ở Tây Nguyên các hoạt động của con người như làm đường, nhà, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện… khiến cho các sườn dốc đồi, núi bị "mất chân". "Những đợt mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị bão hòa chính là yếu tố kích hoạt gây sạt trượt, nứt đất trong thời gian qua tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Độ ổn định sườn dốc thường do 3 nhóm yếu tố quyết định. Thứ nhất là hình thái sườn dốc, đó là độ dốc, chiều cao, các chiều dài, rộng…Thứ hai là tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc", PGS.TS Trần Tân Văn chia sẻ.
PGS.TS Trần Tân Văn nêu ví dụ ở các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá huỷ kết cấu khi bão hòa nước, có thể xếp vào loại đất "có vấn đề".
Đặc biệt là các sườn dốc nhân tạo như những nơi phải đổ đất, đắp lên, đầm chặt để tạo thành nền đường, thì lại càng dễ bị trượt sạt. Yếu tố thứ ba tác động đến độ ổn định sườn dốc là nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói "nước là kẻ thù của sườn dốc".
"Khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn, do tự nhiên phản ứng lại", PGS.TS Trần Tân Văn nhấn mạnh.
Chính quyền Gia Nghĩa đã lập rào chắn, cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ sạt lở, biển báo hạn chế đối với các phương tiện giao thông, sử dụng máy múc để khởi thông dòng chảy.
Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai
Theo Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Nghị định trên quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66 kV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
Nghị định nêu rõ thẩm quyền và trình tự công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Với tình hình hiện tại, Hồ thủy lợi Đắk N'ting phải tính toán kịch bản vỡ đập
Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả của bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai.
Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp
Nghị định quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:
1- Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;
2- Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;
3- Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
4- Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;
5- Các biện pháp cần thiết khác;
6- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.