Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ?
Tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, các quan chức hai nước đang thảo luận về nội dung thỏa thuận sẽ được Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xem xét trong cuộc gặp tại Washington vào tháng 10.
Nội dung thỏa thuận được dựa trên bản dự thảo 2 nước đã đàm phán vào tháng 4 năm nay, nguồn giấu tên cho biết.
Một phần của các thảo luận này là, Trung Quốc đã đề nghị mua các sản phẩm của Mỹ, đổi lại, Mỹ sẽ hoãn các khoản thuế và nới lỏng lệnh cấm đối với ông lớn viễn thông Trung Quốc Huawei.
Nguồn tin cho biết, Trung Quốc có thể mở cửa thị trường, bảo vệ tài sản trí tuệ và cắt giảm sản lượng công nghiệp thừa, nhưng vẫn còn hoài nghi nước này sẽ nhượng bộ trong các vấn đề trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, chính sách công nghiệp và cải cách công ty nhà nước.
Hồi tháng 5, các cuộc đàm phán giữa 2 nền kinh tế đã đổ vỡ, bất chấp việc gần 90% nội dung thỏa thuận đã được thống nhất, bao gồm cả vấn đề tiền tệ.
Sau đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết mà 2 nước đã thống nhất, trong khi Bắc Kinh cho rằng nội dung thỏa thuận có những yêu cầu không thể chấp nhận và làm hại đến chủ quyền nước này.
Các cuộc đàm phán được nối lại vào tháng 7 bằng một cuộc họp ngắn hơn dự kiến ở Thượng Hải nhưng không đem lại kết quả ý nghĩa nào.
Các nhà quan sát cho hay, Mỹ muốn nối lại các cuộc đàm phán dựa trên văn bản trước đó nhưng Trung Quốc cương quyết rằng, mọi thỏa thuận phải bao gồm việc dỡ bỏ thuế quan.
Tổng thống Mỹ tuyên bố mức thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 8, và Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế trả đũa và ngừng mua nông sản từ Mỹ. Căng thẳng gia tăng khi Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, giảm giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu.
Vẫn hoài nghi về thỏa thuận
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, ngay cả một thỏa thuận chấp nhận mua hàng đơn giản từ Trung Quốc cũng khó được đảm bảo.
"Mọi người đều biết rằng hai bên có rất ít sự tin tưởng lẫn nhau và các thỏa thuận về đậu nành sẽ không thay đổi của điều đó", ông Scott Kennedy, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nói.
Sẽ có ý nghĩa hơn khi hai bên quay trở lại đàm phán các vấn đề đã bị đình chỉ vào đầu tháng 5 càng sớm càng tốt, chuyên gia của CSIS nói thêm.
James Zimmerman, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết, cuộc họp vào tháng 10 là nhằm để Trung Quốc trải qua dịp lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh một cách hòa bình. "Các cuộc đàm phán sẽ bị đình trệ đến năm 2020 khi Tổng thống Trump trở nên tuyệt vọng vì phải chờ đợi một thỏa thuận trong năm bầu cử", ông Keith Zimmerman nói thêm.
Cũng theo cựu chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, Tổng thống Trump đã có thể làm tốt hơn nếu ông có thể hoàn thành hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
"Chiến thuật mà ông Trump đang sử dụng là một sai lầm rất lớn khi từ bỏ TPP, đó là một sự mất mát rất lớn về cơ hội, đòn bẩy chiến lược chống lại Trung Quốc và danh tiếng lâu dài của nước này", ông nhấn mạnh.
Tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo đang tập trung vào dài hạn, cho thấy một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ chỉ là một "lệnh ngừng bắn" chiến tranh thương mại.
Trong một bài phát biểu vào thứ Ba tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Đảng Cộng sản chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài chống lại một loạt rủi ro.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố các bước tiếp theo để tự do hóa thị trường tài chính trong nước và thu hút vốn nước ngoài. Hôm thứ Ba, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước tuyên bố sẽ gỡ bỏ giới hạn cho phép các nhà đầu tư quốc tế được cấp phép đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục.