Sắp tới thành phố trực thuộc TW này sẽ chỉ còn một huyện

Nhật Minh |

Sau năm 2030, Hải Phòng sẽ chỉ còn một huyện duy nhất là Bạch Long Vĩ.

Sắp tới thành phố trực thuộc TW này sẽ chỉ còn một huyện - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, về hệ thống đô thị, sau năm 2030, huyện Thủy Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên) sẽ trở thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng. Địa phương này được quy hoạch là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của TP Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá cấp vùng; trọng điểm về phát triển công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; động lực phát triển kinh tế biển.

Huyện An Dương, Kiến Thụy trở thành quận của TP Hải Phòng. Huyện Tiên Lãng, An Lão và Vĩnh Bảo sẽ trở thành thị xã thuộc TP Hải Phòng.

Huyện Cát Hải thành quận biển đảo thuộc TP Hải Phòng, một trọng điểm kinh tế biển của thành phố, huyện đảo thông minh. Trong đó đảo Cát Bà là trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế; đảo Cát Hải là trung tâm dịch vụ cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại.

Huyện Bạch Long Vĩ là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Như vậy, theo quy hoạch trên, sau năm 2030, Hải Phòng sẽ chỉ còn một huyện đảo duy nhất là Bạch Long Vĩ, 3 huyện sẽ lên quận (gồm An Dương, Kiến Thụy, Cát Hải), 3 huyện lên thị xã (gồm Tiên Lãng, An Lão và Vĩnh Bảo), một huyện Thủy Nguyên lên thành phố; cùng 7 quận hiện hữu (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh).

Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố trực thuộc, 10 quận, 3 thị xã và 1 huyện.

Sẽ thành lập khu kinh tế ven biển 20.000 ha

Với định hướng phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, thành phố dự kiến sẽ xây dựng mới các trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ quốc gia, quốc tế; các khu trung tâm dịch vụ thương mại gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng), đô thị mới Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên), An Dương,…

Về công nghiệp, Hải Phòng ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới; đồng thời khôi phục lại một số ngành công nghiệp trước đây vốn là thế mạnh của Hải Phòng, đặc biệt là đóng mới và sửa chữa tàu biển.

Đáng chú ý, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha dự kiến được thành lập. Vị trí đề xuất bao trùm quận Đồ Sơn và huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Thông tin thêm về tình hình kinh tế thời gian qua tại Hải Phòng, theo Cục thống kê Hải Phòng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 11/2023 ước đạt 11.394,9 tỷ đồng, bằng 123,2% so với cùng kỳ năm trước. Ước 11 tháng năm 2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 85.932,2 tỷ đồng, đạt 73,8% dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 88,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,54% so với tháng trước; tăng 4,38% so với tháng 12/2021 và tăng 4,27% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,49% của 11 tháng năm 2022.

Về tiến độ thực hiện nguồn vốn đầu tư công, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 17.705,2 tỷ đồng, tăng 30,79% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến 20/11/2023, Hải Phòng có 913 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 29,42 tỷ USD. 11 tháng đầu năm, vốn FDI vào Hải Phòng đạt 3,2 tỷ USD.

Trong đó, địa phương cấp mới 100 dự án với số vốn cấp mới là 1,3 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 46 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 1,9 tỷ USD; thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp là 27 lượt với số vốn đầu tư đăng ký 14,45 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại