NDAA 2021 cũng nhằm vào những tranh cãi đang diễn ra liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc theo sau cái chết của ông George Floyd, người đàn ông da màu 44 tuổi thiệt mạng sau khi bị một cảnh sát da trắng dùng gối ghì cổ.
Dự luật nêu trên, còn cần phải qua nhiều bước để trở thành luật, ủng hộ đề xuất đổi tên các căn cứ hiện tại của Mỹ theo tên của các tướng trong Liên minh miền Nam nước Mỹ, cũng như đề xuất cấm sử dụng sức mạnh quân sự nhằm vào người biểu tình ôn hòa.
Cũng như những năm gần đây, NDAA 2021 bao gồm các điều khoản nhằm vào Trung Quốc, trong đó có thành lập "Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương", với gần 7 tỉ USD tập trung vào mặt trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp nhằm củng cố chuỗi cung ứng Mỹ, sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) cho thấy sự phụ thuộc của các công ty nội địa vào Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật còn ủy quyền chi tiêu 44 triệu USD cho nghiên cứu vắc-xin và công nghệ sinh học, một động thái khác liên quan đến Covid-19.
Dự luật cũng yêu cầu soạn thảo báo cáo mới liên quan đến những rủi ro đến từ công nghệ của Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc), đồng thời ủy quyền chi tiêu 9,1 tỉ USD để mua thêm 95 chiến đấu cơ F-35, do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất.
Dự luật đã được SASC ủng hộ với 25 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Để trở thành luật, NDAA của Thượng viện Mỹ phải được đối chiếu và điều chỉnh để cho phù hợp với phiên bản của Hạ viện Mỹ, trước khi được Quốc hội thông qua và trình lên Tổng thống Donald Trump để ông ký thành luật hoặc phủ quyết.