Phát hiện này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thời điểm và cách thức chở những tảng đá đó; đồng thời có thể trả lời được câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến Stonehenge, đó là tại sao người ta lại chở đá đi xa như vậy?
Từ lâu, các nhà thiên văn học biết rằng 42 tảng đá nhỏ hơn từ công trình Stonehenge (gọi là đá xanh), có nguồn gốc từ mỏ đá thuộc vùng đồi Preseli xứ Wales. Dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu ở Trường ĐH London (Anh), nhóm các nhà khảo cổ học và địa chất học đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trong vòng 8 năm.
Hiện giờ, họ chỉ ra 2 địa điểm cụ thể mà từ đó dường như khoảng 5.000 năm trước, một số đá tảng đã được khai thác để xây dựng Stonehenge.
Giáo sư Mike Parker Pearson, Khoa Khảo cổ học Trường ĐH London, nhấn mạnh rằng trong thực tế, tất cả các cấu trúc thời kỳ đồ đá mới ở châu Âu đều được xây dựng từ các tảng đá nằm trong vòng bán kính dưới 15 km.
Trong trường hợp Stonehenge, người ta vẫn không biết tại sao những tảng đá lại được vận chuyển từ những nơi xa như vậy. “Chúng tôi muốn tìm hiểu điều gì xảy ra từ 5.000 năm trước ở khu vực đồi Preseli. Liệu ở đó có các vòng tròn đá trước khi những tảng đá được chở đến Stonehenge hay không?” - GS Pearson nói.
Mỏ đá lớn nhất được phát hiện ở cách Stonehenge không đầy 300 km, tại vùng Carn Goedog ở sườn phía Bắc đồi Preseli. “Đó là nguồn đá dolerite quan trọng dùng để xây dựng Stonehenge. Người ta đã phát hiện ít nhất là 5 tảng đá ở Stonehenge có nguồn gốc từ Carn Goedog” - TS Richard Bevins ở Bảo tàng quốc gia xứ Wales, cho biết.
Trong thung lũng phía dưới Carn Goedog, ở khu vực Craig Rhos-y-felin, các nhà địa chất cũng phát hiện mỏ đá thứ hai, mà từ đó dường như đá rhyolit (đá magma phun trào) cũng được chở đến Stonehenge.
Các tác giả công trình nghiên cứu khẳng định các tảng đá được chồng lên nhau tạo thành những cột đá thẳng đứng. Điều đó có nghĩa là chỉ sử dụng những cái nêm đặc biệt, người xưa đã dễ dàng khai thác được đá cho công trình Stonehenge.
Khảo sát tại chỗ cho thấy, người xưa đã sử dụng những cái nêm bằng chất liệu đá không cứng bằng loại đá xanh dùng để xây Stonehenge. Việc này là nhằm giữ cho đá xanh không sứt mẻ. Các tảng đá được tách ra đã được chở đi bằng hệ thống xe trượt gỗ và dây thừng.
Phát hiện mới khiến người ta nghi ngờ thuyết nói rằng các tảng đá được vận chuyển bằng đường biển.
“Một số người tin rằng các tảng đá được chở đến vùng Milford Haven, xếp lên bè rồi vượt qua eo biển Bristol, cuối cùng ngược dòng sông Avon. Nhưng bây giờ thì người ta tin rằng các tảng đá đó được vận chuyển chỉ bằng đường bộ” - GS Kate Welham ở ĐH Bournemouth, nhận xét.