Mới đây, thông tin về một hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống giống với Trái Đất quay quanh Proxima Centauri - ngôi sao gần nhất so với Mặt Trời - tiếp tục rầm rộ nổi lên trong giới khoa học.
Được biết, tin tức trên lần đầu tiên xuất hiện trên trang Der Spiegel của Đức, nhưng nguồn gốc thì vẫn chưa được tiết lộ.
Der Spiegel đề cập đến công lao khám phá của Trạm theo dõi Không gian Nam châu Âu (ESO), đồng thời khẳng định rằng những thông tin công khai chính thức sẽ được công bố vào cuối tháng 8 tới đây.
Tuy nhiên, khi hãng thông tấn AFP liên hệ, người phát ngôn của ESO - Richard Hook lại cho biết: "Chúng tôi hiện không có bất cứ bình luận thêm nào cả."
Trước đó, vào tháng 10 năm 2012, ESO cũng từng đưa ra một tin tức "giật gân" không kém về Alpha Centauri Bb, được cho là hành tinh lý tưởng gần nhất bên ngoài hệ Mặt Trời. Dù vậy, mọi bằng chứng sau đó lại chứng tỏ tính không hoàn toàn xác thực của nó, để rồi lại dần chìm vào quên lãng.
Vì vậy, cũng dễ hiểu khi sau lần đó, ESO đã rất thận trọng trong những động thái của mình để bảo toàn uy tín cũng như sức ảnh hưởng, bằng cách không cho phép mắc thêm bất kỳ sai lầm ngớ ngẩn nào nữa.
Có lẽ việc họ trì hoãn thời điểm thông báo trước công chúng cũng là để kiểm tra thật kỹ lưỡng từng chi tiết, ngóc ngách của vấn đề.
Ngay cả Der Spiegel và nguồn tin bí mật của họ cũng đang cố gắng thu thập mọi khía cạnh rõ ràng nhất cho sự kiện trên.
Cùng với sự im lặng lạnh lùng từ phía ESO, điều này có nghĩa kể cả hành tinh đó thực sự tồn tại thì thế giới cũng cần phải chờ thêm một thời gian nữa để mọi dự đoán và tính toán được giải quyết và thống nhất một cách dứt khoát nhất, đặc biệt là những so sánh giữa hai hành tinh với nhau.
Chẳng hạn, tỷ lệ khối lượng là boa nhiêu, vị trí chính xác so với khu vực có thể định cư...Thậm chí kể cả khi ở địa điểm lý tưởng, những bức xạ mặt trời quá mức cũng có thể cần được xác minh xem có ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển sự sống hay không.
Trở lại với Proxima Centauri, đây là một ngôi sao xếp loại M, cách chúng ta khoảng cách 4,2 năm ánh sáng.
Nghe có vẻ gần hơn đáng kể so với các tinh cầu khác, nhưng Proxima lại rất khó để có thể nhìn thấy, kể cả với kính viễn vọng loại thường, do một phần cũng bị các quầng sáng tự nhiên của Mặt Trời làm cho lu mờ, lấn át đi.
Ngoài ra, nó cũng mang trên mình một đặc điểm giống với các hành tinh thông thường khi thiết lập một quỹ đạo cố định quay quanh một ngôi sao khác.
Tháng tư vừa qua, một nhiệm vụ du hành không gian đã được triển khai, phóng một tàu vũ trụ đến Alpha Centauri với hành trình dự kiến dài 20 năm.
Nếu những thông tin ban đầu là sự thật, chắc chắn sẽ có nhiều chủ đề bàn luận sôi nổi được mở ra xung quanh ngôi sao "gần gũi" từng được phát hiện 101 năm trước đây so với hiện tại.
Tham khảo: Iflscience