Sắp công bố 400 tài liệu quý về lịch sử Bình Định

Trần Kiệt |

Ngày 18/8, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định thực hiện triển lãm 'Bình Định theo dòng lịch sử'.

Ngày 18/8, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định thực hiện triển lãm “Bình Định theo dòng lịch sử”, để công bố 400 tài liệu, tư liệu quý về lịch sử Bình Định.

Dự kiến, triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 28/8 theo hình thức trực tuyến trên website của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định.

Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, triển lãm “Bình Định theo dòng lịch sử” giới thiệu các tài liệu, tư liệu đặc sắc được lựa chọn từ hàng nghìn trang tài liệu, tư liệu sưu tầm của các kho lưu trữ quốc gia, các viện nghiên cứu và nguồn tư liệu quý do các cá nhân chia sẻ…

Sắp công bố 400 tài liệu quý về lịch sử Bình Định - Ảnh 1.

Quan lại Tây Sơn - tranh vẽ của William Alexander, người tháp tùng phái bộ Huân tước McCartney trong lần viếng thăm cung điện vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân năm 1793.

Lấy ý tưởng từ những địa danh nổi tiếng của Bình Định để tạo nên một không gian 3D độc đáo, triển lãm sẽ đưa công chúng trải qua hành trình khám phá vùng đất Bình Định theo dòng lịch sử từ cội nguồn đến ngày nay, qua ba phần:

Phần I: Từ cội nguồn văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa - với những phát hiện khu mộ chum phong phú, có giá trị về mặt nghiên cứu của nữ học giả Madeleine Colani vào năm 1934 khi bà được Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp phái đi. Từ đó đến nay, nhiều di tích được phát hiện, hé lộ cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh trên đất Bình Định.

Phần II: Từ phủ Hoài Nhơn đến trọng địa phía Nam kinh thành – nói về “Hào khí Tây Sơn” gắn liền với người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.

Điều đáng chú ý, dù bị sử gia triều Nguyễn coi là “ngụy”, nhưng Quang Trung lại được mô tả và thuật lại như một con người phi thường. Bằng những lời lẽ không giấu sự nể phục, sử triều Nguyễn đã làm toát lên khí phách, mưu lược, tài năng của người anh hùng kiệt xuất.

Bên cạnh đó, triển lãm có các tư liệu nói về “Trọng địa phía Nam” - với khối tài liệu lưu trữ đồ sộ hiện bảo quản tại các lưu trữ quốc gia, đặc biệt là Châu bản triều khắc ghi kể từ khi vua Lê Thánh Tông sáp nhập vùng đất Chiêm Thành vào cương thổ Đại Việt (1471) đến khi trở thành trọng địa phía Nam kinh thành dưới triều Nguyễn (1802 - 1945).

Phần III: Từ mảnh đất “thành đồng” duyên hải Nam Trung Bộ đến điểm sáng hội nhập, phát triển. Bình Định sẽ được soi tỏ qua 2 cuộc kháng chiến. Triển lãm cũng điểm qua “Bình Định ngày nay” với sự bứt phá toàn diện, phát huy những giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc trưng của vùng “đất võ, trời văn” và bảo tồn giá trị tốt đẹp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại