ơưMới đây, Trung Quốc đã ra lệnh cấm với hầu hết các chương trình thực tế có trẻ em tham gia, thậm chí những quảng cáo dính tới trẻ dưới 10 tuổi cũng bị quản lý nước này "cấm cửa".
Quy định dù diễn ra tại nước bạn cũng đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi tại Việt Nam, khi hàng loạt show thực tế có liên quan tới thí sinh nhí đang hồi nở rộ tại đất nước hình chữ S.
Show truyền hình thực tế có sự tham gia của con các sao Hoa ngữ đang bị cấm tại Trung Quốc
Trẻ có thể bị sốc khi tham gia show truyền hình
Không chỉ riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đã có động thái ban hành lệnh kiểm duyệt, thậm chí cấm sản xuất chương trình truyền hình tập trung vào trẻ nhỏ.
Trước thực trạng ngày càng nhiều chương trình truyền hình thực tế, show giải trí, tìm kiếm tài năng nhí nở rộ ở Việt Nam, chuyên gia giáo dục trẻ em Vũ Thu Hương thuộc Đại học Sư phạm đã lên tiếng cảnh báo.
Theo bà Hương, trẻ em có thể sẽ bị sốc, bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực khi tham gia vào show truyền hình quá sớm. Bà Hương cho rằng, mọi tác động của dư luận, ca ngợi nhiều quá hay soi xét kỹ quá đều có thể làm hại tới trẻ.
Cũng từ ý kiến của chuyên gia Vũ Thu Hương, trong bối cảnh căn bệnh thành tích đang ngập tràn xã hội Việt Nam, việc cấm các show thực tế có trẻ nhỏ là điều cần xem xét.
Trẻ từ số 0 thành người hùng sẽ sai lệch nhận thức?
Thanh Bùi là người phản đối các chương trình tìm kiếm tài năng xuất hiện quá nhiều trên truyền hình
Không chỉ các chuyên gia tỏ ra lo ngại trước thực trạng trẻ tham gia vào game show, mà ngay cả những người làm nghệ thuật tại Việt Nam cũng lên tiếng cảnh báo.
Nhiều ý kiến cho rằng các chương trình tìm kiếm tài năng nhí đã đến lúc nên dừng lại. Giữa làn sóng tranh cãi, nhạc sĩ Thanh Bùi - người từng ngồi ghế giám khảo nhiều show thực tế - đã bày tỏ sự đồng thuận: hạn chế các show truyền hình.
Theo lý giải của Thanh Bùi, việc biến thí sinh trẻ trở thành ngôi sao theo kiểu “từ zero (số 0) thành hero (người hùng)” sẽ khiến xã hội có những nhận thức sai lệch về nghệ thuật và nghệ sĩ.
“Không xây dựng nền tảng kiến thức và kỹ năng âm nhạc thì rốt cục, cũng sẽ lẩn quẩn rồi lại về zero thôi” – Thanh Bùi nhận định.
Vợ chồng Hồ Hoài Anh
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - người từng đảm nhận vai trò giám khảo, huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí - cho rằng, ý kiến của Thanh Bùi có phần đúng nhưng cũng có phần tiêu cực.
Theo Hồ Hoài Anh, trẻ con vẫn là trẻ con và chúng sẽ không có tương lai lâu dài nếu không được phát hiện, bồi dưỡng bài bản.
Dưới góc nhìn của ông bố 2 con, nhạc sĩ họ Hồ cho rằng, nếu không còn những chương trình tìm kiếm tài năng, nền nghệ thuật nước nhà sẽ không có hội tìm được mầm non thiên tài mà vì điều kiện, các bé phải sống ở miền sâu, miền xa khó có cơ hội phát triển.
Huấn luyện viên The Voice Kids nhấn mạnh, việc nhìn nhận ảnh hưởng của các chương trình giải trí dành cho các bé cần được xem xét ở hai mặt.
"Khi phát hiện tài năng nhỏ tuổi, cần ươm mầm và chỉ dẫn bé theo con đường đúng đắn chứ không đốt cháy giai đoạn và khai thác tài năng ấy bừa bãi".
"Mẹ bỉm sữa" cũng lên tiếng
Cựu mẫu Thúy Hạnh - bà mẹ nổi tiếng có con gái tham gia Bố ơi mình đi đâu thế phiên bản Việt - cho rằng: “Không có chuyện bé tham gia show mà mắc bệnh ngôi sao”.
Lấy cuộc sống thực tế gia đình, Thúy Hạnh khẳng định, bé Suti sau khi tham gia chương trình "Bố ơi" đã trở về trường lớp học tập như bình thường.
“Không bao giờ bé có suy nghĩ mình là người nổi tiếng. Ngay cả khi bé đi ra ngoài ăn, được mọi người xin chụp hình, tôi cũng nhắc bé ngay:
Đó là do mọi người yêu quý nên thích chụp hình với con thôi” – cựu mẫu nhấn mạnh cách giáo dục con.
Thúy Hạnh cho hay, chị luôn cố gắng để 2 bé Suti - Suli không mắc tư tưởng mình là con của người nổi tiếng, là sao nhí...
Thúy Hạnh, Minh Khang và con gái út Suti
Cùng chung quan điểm với Thúy Hạnh, ca sĩ Thu Phượng cho rằng, sự giáo dục của gia đình chính là yếu tố giúp các bé tham gia show mà không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Là cô giáo dạy thanh nhạc cho hơn 10 em bé, Thu Phượng rút ra kinh nghiệm, nếu có hướng trẻ theo bất kể ngành nghề hay sở thích gì, cha mẹ cần nhận thức việc cho con học hay tham gia là để nhằm mục tiêu phát triển năng khiếu cho con, chứ không phải giúp con nổi tiếng, và kiếm tiền dựa trên sự nổi tiếng ấy.
Ca sĩ Thu Phượng và con gái
Một lý do khác khiến nhiều bà mẹ sao nhí đồng tình cho con tham gia show thực tế chính là ý nghĩa mà chương trình.
Theo Thúy Hạnh, công chúa nhà chị tham gia Bố ơi mình đi đâu thế? không phải là để thi thố ganh đua.
Ngược lại, chương trình đã giúp bé được học hỏi thực tiễn, được sống và trải nghiệm những kỹ năng phù hợp lứa tuổi.
Với Thúy Hạnh, vấn đề học tập của con luôn được chị lên hàng đầu. Và lý do chính khiến Thúy Hạnh đồng ý cho con gái tham gia chương trình bởi thời gian ghi hình thường diễn ra vào ngày cuối tuần, khi Suti được nghỉ học.
Ủng hộ chương trình truyền hình cho trẻ nhỏ, ca sĩ Thu Phượng cho rằng, các bé sẽ thêm yêu cuộc sống, biết đam mê và cố gắng rèn luyện bản thân nhờ ý nghĩa mà chương trình đem lại.
"So với việc học hành hiện tại quá căng thẳng, việc các bé yêu thích nghệ thuật, được giải tỏa và nâng cao sức khoẻ trong các show thực tế sẽ tốt hơn chơi games hoặc ôm smart phone suốt ngày” - Thu Phượng chia sẻ.
Đối lập với quan điểm trên, MC Huyền Ny - người có nhiều năm làm việc tại Mỹ, mẹ của 3 nhóc tì - cực lực phản đối truyền hình thực tế. "Các con chưa đủ thời gian để phát triển chín mùi" - Huyền Ny giải thích.
MC Huyền Ny - mẹ của ba nhóc tì
Lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý trẻ là lý do khiến Huyền Ny phản đối các chương trình "đào tạo sao nhí".
Theo chị, trẻ thơ cần nhất là môi trường phát triển lành mạnh, tự nhiên và không có sự hơn thua, tính toán của người lớn.
"Nếu con thật sự có tài năng, con sẽ tỏa sáng đúng thời điểm. Còn cả một đời để thăng hoa, để sống với tài năng của mình.
Đừng vội vã làm trôi đi mất tuổi thơ của các con. Cha mẹ luôn muốn điều tốt đẹp nhất để con phát triển toàn diện, và truyền hình thực tế không phải là nơi để thực hiện điều đó.
Trẻ con hồn nhiên, nhưng người lớn thì không" - Huyền Ny nhấn mạnh.