Sao lại khó chịu, dè bỉu khi được hỏi lương bao nhiêu, lấy vợ/chồng chưa?

Lâm Anh |

Đừng nghĩ là người ta tọc mạch khi hỏi bạn lấy vợ/chồng chưa, sao chưa sinh con, lương bao nhiêu… ngày Tết, đó là sự quan tâm mộc mạc của người quê, nên trân trọng.

Tôi đi làm ăn xa, năm nào không thể về quê ăn Tết thì một trong những điều khiến tôi nhớ nhung và cảm thấy ấm áp nhất về cái Tết ở quê chính là những câu thăm hỏi thân ái theo kiểu “bao giờ mày lấy vợ hả cháu”, “chú làm đến chức gì rồi”; “lương anh có được 20 triệu mỗi tháng không”…? Tôi cảm nhận được sự ân cần trong đó, kiểu quan tâm mộc mạc và thiết thực chỉ dân quê mới có, nên mới hỏi han đến những yếu tố quan trọng đối với cuộc sống con người như vậy.

Nhưng có vẻ như vài năm trở lại đây, những câu hỏi kiểu đó ít dần, chủ yếu chỉ đến từ những ông già bà lão. Chợt cảm thấy nuối tiếc và hụt hẫng, dường như mình không còn được quan tâm như xưa nữa, hay là sự chân chất thôn quê đã biến mất đi?

Mấy ngày nay, thấy trên báo chí và không gian mạng, người ta bàn nhiều về nỗi sợ ngày Tết bị hỏi “những câu thiếu tế nhị, đầy tính soi mói” như lấy chồng chưa, lương bao nhiêu, đẻ đứa đứa thứ hai đi chứ, dạo này gầy quá rồi đấy…, tôi mới giật mình. Có lẽ cách nghĩ này cũng là một phần nguyên nhân khiến những câu hỏi làm tôi cảm thấy ấm áp kia trở nên thưa vắng.

Sao lại khó chịu, dè bỉu khi được hỏi lương bao nhiêu, lấy vợ/chồng chưa? - Ảnh 1.

Ngày Tết, hỏi thăm nhau chuyện công việc, hôn nhân, sức khỏe... là thể hiện sự quan tâm.

Cần gì phải quá “nhạy cảm” để trở nên khó chịu trước những lời thăm hỏi ấy! Nếu nghĩ đó là sự tọc mạch, soi mói thì có lẽ bạn chưa thực sự hiểu văn hóa Việt, với sự khác biệt rõ rệt với văn hóa phương Tây mà nhiều người trẻ hiện nay đang lấy làm tiêu chuẩn một cách máy móc. Chẳng hạn, khi gặp nhau, chúng ta thường hỏi “đi đâu đấy”, “ăn cơm chưa”… đâu phải vì muốn biết những thông tin này, đơn giản đó là câu chào. Vài người bạn Tây của tôi ban đầu hơi “sững” khi được hỏi như vậy, nhưng sau hiểu ra thì hễ gặp người Việt là hớn hở chào “ăn cơm chưa”; “đi đâu đấy”…

Những câu hỏi về tình trạng yêu đương, hôn nhân, về công việc hay lương lậu, thậm chí cả về vẻ ngoài gầy béo của bạn… trong ngày Tết cũng như vậy thôi, hầu như đều xuất phát từ tình cảm chân thành. Người ta quan tâm thì mới hỏi, không hỏi nghĩa là người ta còn giữ khoảng cách, không thực sự muốn giao tiếp gần với bạn. Xét cho cùng, bạn có giàu sang, có thành đạt thì người ta hỏi cũng để mừng cho bạn chứ chẳng xin xỏ nhờ vả gì. Vì thế, bạn nên trân trọng thay vì bực tức rồi mang lên mạng dè bỉu, than vãn, chê người ta kém văn minh. Vả lại, mọi người có quyền hỏi, còn câu trả lời thế nào là ở bạn cơ mà!

Ngày Tết về quê, không nên mang các tiêu chuẩn giao tiếp phương Tây về áp đặt, vì chính bạn sẽ trở thành soi mói khi bắt bẻ những lời thăm hỏi bằng lớp vỏ ngôn từ. Khi được hỏi lấy chồng chưa, lương lậu thế nào, vì sao cưới đã lâu mà chưa sinh con, hãy dùng tấm lòng để hiểu thông điệp và tình cảm của người hỏi, bạn sẽ thấy hạnh phúc vì mình đang được là một phần của cộng đồng ấm áp đó.

Khi những câu hỏi đầy quan tâm kia ngày càng hiếm thì có nghĩa là sự chân chất, mộc mạc nơi thôn quê đang dần biến mất, đáng tiếc biết bao!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại