Câu chuyện nghệ sĩ đi muộn khi tham dự sự kiện trong showbiz Việt đã không còn là vấn đề quá xa lạ mà vốn dĩ nó được xem như một thói quen, hay thậm chí là một "căn bệnh" muôn thuở.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta để nó trở thành một căn bệnh nan y khi showbiz trong nước đang ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp.
Thông thường thói quen xuất phát từ cách xài "giờ dây thun" của những người làm việc thiếu chuyên nghiệp.
Chính vì thế mà các nghệ sĩ thường ỷ lại, chỉ biết chăm chút cho hình ảnh của bản thân thật lộng lẫy mà không cần quan tâm đến sự có mặt trễ giờ của họ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chương trình ra sao.
Nguy hiểm hơn, đối với một số ngôi sao giải trí được công chúng xem như sao hạng A, thói quen xấu của họ không chỉ dừng lại ở việc đi trễ để làm vedette, mà còn là thái độ yêu sách hơn thua nhau từng chút với đồng nghiệp.
Đó thực sự có phải là con đường thành công một cách chuyên nghiệp và đáng được tôn trọng trong nghề hay không?
Đi trễ, yêu sách mới là sao hạng A? Quan niệm bị bóp méo!
Tháng 5/2016, showbiz Việt xôn xao khi Ngô Thanh Vân thẳng thắn bày tỏ những bức xúc khi cô phải mất hai tiếng đồng hồ để đợi đến khi sự kiện bắt đầu, dù đã đến đúng giờ ghi trên thư mời.
Bản thân là người trong nghề, cô cũng nhận định nhiều nghệ sĩ trẻ có thói quen vô tư đến trễ vào giờ chót chỉ để mình được chú ý như một ngôi sao hạng A.
Khách mời tham dự sự kiện này cho biết, một số nghệ sĩ đến trễ nhất là Angela Phương Trinh, Diễm My 9X, Hoa hậu Mai Phương Thúy, Hoa hậu Kỳ Duyên...
Khi chương trình thông báo bắt đầu, họ mới loay hoay được người trong ban tổ chức đưa vào ghế của mình ở hàng đầu. Lý do là đến trễ.
Angela Phương Trinh, Kỳ Duyên là những ngôi sao trẻ bị chính "đàn chị" trong nghề lên tiếng bức xúc về tác phong đi sự kiện trễ
Đúng một năm sau, sự việc ban tổ chức chương trình "The Face Vietnam" để báo giới và khách mời nước ngoài – nữ người mẫu Thái Lan - Lukkade chờ đợi 2 tiếng đồng hồ mới bắt đầu họp báo đã gây tranh cãi khá nhiều.
Nguyên nhân là ban tổ chức không đồng nhất về thời gian mời phóng viên, khách mời nước ngoài, nghệ sĩ trong nước và giờ tổ chức chương trình.
Sự bất cập về giờ giấc khiến cho tác phong làm việc của ban tổ chức bị nhiều quan khách nhìn nhận tiêu cực. Phía các huấn luyện viên là Lan Khuê, Minh Tú, Hoàng Thùy đến trễ hơn so với thời gian in trên thiệp mời của họ.
Theo lời Lukkade phát biểu trong họp báo, hoạt động nghệ thuật 26 năm rồi nên việc sự kiện diễn ra trễ là bình thường, thiếu một khách mời quan trọng thôi cũng không thể bắt đầu, nhưng việc của cô là chuyên nghiệp nên cứ đúng giờ thôi.
Câu nói tưởng như xoa dịu tình huống này lại là "cú tát" cho những người đến trễ trong sự kiện hôm đó, những người gọi mình là chuyên nghiệp.
Khi câu chuyện đi trễ còn chưa nguội hẳn thì vài hôm sau, một nghệ sĩ Việt tiếp tục vướng ồn ào vì đến trễ trong sự kiện.
Theo đó vào ngày 27/5, show diễn thời trang của Đỗ Mạnh Cường bắt đầu lúc 17h, nhưng Angela Phương Trinh lại tới 17h30 mới có mặt.
Cô phải nhờ ban tổ chức hỗ trợ tìm chỗ ngồi. Người đẹp giải thích, cô đã cố gắng đến kịp sự kiện nên đặt chuyến bay 13h nhưng vì sự cố thời tiết xấu nên bị trễ hai tiếng.
Tuy nhiên, diễn viên múa Linh Nga - người bay cùng chuyến với Phương Trinh - vẫn kịp có mặt trước giờ show diễn ra.
Hiện nay, các nhà tổ chức thường xuyên "ém" ngôi sao khách mời quan trọng về cuối nhằm giữ lại khán giả và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khó nhằn của họ để phục vụ chương trình.
Từ đó, việc nghệ sĩ cố tình đến muộn sự kiện để làm vedette hay đặt nhiều yêu sách để chứng tỏ đẳng cấp, dần trở thành thói quen.
Đó là một quan niệm sai lệch, một cách tự bóp méo quy chuẩn để tung hô vị trí bản thân. Đối với người khác thế nào không cần biết, nhưng có những nghệ sĩ vị trí của họ rõ ràng được công nhận là hạng A, nhưng cách làm việc không hẳn là "xấu xí" như thế.
Có thể thấy ngay ở những lần sao Hàn tham dự show diễn Kpop lớn tại Việt Nam. Dù là sao hạng A, các nhóm nhạc SNSD, EXO hay 2NE1 vẫn tuân thủ theo lịch trình nghiêm ngặt đến từng giây từng phút như bao nghệ sĩ khác trong cùng concert.
Vừa bước xuống sân bay, các nhóm nhạc này sẽ trở về khách sạn, nhanh chóng đến sân khấu diễn tập, trang điểm và thay trang phục để tham gia họp báo cùng truyền thông Việt Nam. Và tất nhiên cuối cùng họ vẫn có thể biểu diễn hết mình trên sân khấu vào ngay buổi tối cùng ngày.
Chẳng mấy ai biết rằng, trước khi hạ cánh xuống sân bay Việt Nam, những nhóm nhạc này đã trải qua một ngày chạy đôn chạy đáo cùng ê-kíp của mình vì hàng tá những sự kiện tương tự.
Quan trọng hơn cả, họ vẫn xuất hiện với vẻ ngoài hoàn hảo, đầu tóc váy áo chỉn chu và hết mình vì khán giả theo đúng khung chương trình.
Để đạt được thành quả này đòi hỏi nghệ sĩ, ê-kíp và ban tổ chức phải có sự kết hợp ăn ý. Khó như vậy, mới là chuyên nghiệp.
Dù là nhóm nhạc nổi tiếng thế giới nhưng SNSD luôn đảm bảo lịch trình làm việc tại Việt Nam đúng đến từng phút. (Ảnh minh họa)
Ở làng giải trí nào cũng tồn tại thực trạng "bệnh cao su" hay "bệnh ngôi sao", nhưng nghệ sĩ nước ngoài hiện đã bước sang thời kỳ "quá độ", coi đó là thước đo đẳng cấp mà là những thiếu sót cần phải loại bỏ để tiến tới con đường chuyên nghiệp hơn.
Và những "trận đòn roi" của truyền thông, nhà tổ chức hay chính khán giả đã giúp cải thiện phần nào tình trạng này tại nước họ. Muốn làm tốt chuyện lớn, ít nhất bạn phải thể hiện cho người khác thấy: bạn có khả năng làm được điều cơ bản trước đã.
Nghệ sĩ hạng A, đừng xem thường khi truyền thông và công chúng nổi giận
Nhìn vào tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp của một số sao Việt, không ít người có sự so sánh bên mình - bên ta.
Nhưng thực trạng đúng là Vbiz hiện nay vẫn thiếu đi những biện pháp đủ mạnh tay để răn đe tác phong thiếu chuyên nghiệp của sao.
Ở Hàn Quốc, tác phong thiếu chuyên nghiệp có thể gây ảnh hưởng lớn đến cả một ê-kíp, khiến hình ảnh của ngôi sao xấu đi rất nhiều trong mắt công chúng và thậm chí hủy hoại sự nghiệp của sao hạng A chỉ trong vài cái chớp mắt.
Trên thực tế, showbiz Hàn cũng dùng phương pháp răn đe nghệ sĩ bằng ngòi bút của báo chí và lời lẽ của truyền thông. Nhờ đó, làn sóng phẫn nộ của công chúng dễ dàng được đẩy lên đỉnh điểm, khiến các ngôi sao bị chính khán giả của mình tẩy chay.
Nhưng phương pháp này có lẽ chỉ mang tính triệt để nhất tại Hàn Quốc, nơi có cộng đồng netizen đáng sợ nhất thế giới.
Năm 2011, Sulli từng bị báo giới phớt lờ vì tới muộn sự kiện 40 phút. Thay vì tập trung vào mỹ nhân đình đám này, cánh phóng viên đã bỏ mặc cô, chuyển ống kính sang những khách mời nổi tiếng khác.
Công ty chủ quản SM sau đó phải lên tiếng giải thích thay cho Sulli, xin lỗi các nhà làm truyền thông tại sự kiện hôm đó.
Hay như Krystal Jung từng phải che mặt tránh né báo chí, bị tẩy chay một thời gian dài vì đi muộn nửa giờ mặc cho fan xếp hàng dài chờ đợi. Sự chậm trễ của Krystal đã khiến buổi chụp hình hôm đó bị hoãn và dời sang một ngày khác.
Tại một thị trường khắc nghiệt và cạnh tranh như Hàn Quốc, tiêu chuẩn mà khán giả và truyền thông đặt ra cho người nghệ sĩ ắt cũng phải cao hơn hẳn mặt bằng chung.
Khán giả Hàn luôn coi trọng phép lịch sự tối thiểu, từ lời nói, tác phong, trang phục cho đến cả... biểu cảm khuôn mặt của sao.
Chính vì vậy, một cái nhíu mày, một nụ cười hay một lần trót tuềnh toàng có thể trở thành thước đo tác phong làm việc chuyên nghiệp của người nổi tiếng tại đây.
Hiện nay, showbiz Hàn đã mạnh tay hơn khi sẵn sàng cắt thẳng đất diễn, chặn đường xuất hiện và tẩy chay nghệ sĩ nếu họ có thái độ thiếu tôn trọng.
Taeyeon (SNSD) là nữ nghệ sĩ có lượng fan "khủng" nhất tại xứ sở kim chi, song cũng sở hữu số antifan đông đảo nhất vì thường dính phải scandal thái độ. Nguyên do là ở những biểu cảm không thích hợp của cô tại các sự kiện lớn.
Hay như trường hợp ngôi sao lắm yêu sách Park Shin Hye. Nữ diễn viên "Người thừa kế" từng bị truyền thông xứ Đài lên án mạnh mẽ khi có những đòi hỏi oái oăm, hằn học bỏ ngang sự kiện để đi ăn uống, mát-xa.
Vì sự việc này, Park Shin Hye mất dần đất diễn tại thị trường Đài Loan.
Nhìn vào những trường hợp nghệ sĩ nhận trái đắng vì yêu sách, hét điều kiện kể trên, có thể thấy rằng yêu cầu của công chúng và nhà sản xuất đặt ra cho nghệ sĩ Hàn không hề nhẹ nhàng như trong tưởng tượng của nhiều người. Thiếu chuyên nghiệp dù chỉ là trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi cũng đủ để nghệ sĩ mang tiếng về sau.
Nhìn chung, có 1001 lý do để ngôi sao biện minh cho sự chậm trễ của mình, và cũng bằng đấy lý do để họ bị soi mói và khiển trách.
Nhưng dù lỗi ở ai đi chăng nữa, chính nhà tổ chức sự kiện và công chúng phải là người mạnh tay và thẳng thắn chỉ trích những thiếu sót của sao thay vì o bế, cho qua dễ dàng.
Chuyên nghiệp như showbiz ngoại: Nếu cần thiết, nhà tổ chức thẳng thắn mời những người đến muộn ra về
Đặt ngược lại câu hỏi, nên chăng đến lúc những người tổ chức các sự kiện giải trí cần thực sự khắt khe với việc đến trễ của những khách mời?
Đừng chấp nhận cho hành động giờ dây thun và coi nó như một thói quen, để rồi từ đó dẫn đến sự lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp và dây dưa giờ giấc, kéo theo người ung dung đến muộn, kẻ vô tư về sớm trong sự kiện.
Thậm chí nếu cần thiết có thể thẳng thắn mời những người đến muộn phải ra về để tránh ảnh hưởng hình ảnh chung và cho họ thấy được tầm quan trọng của sự kiện mà mình tổ chức.
Trên thực tế đây là điều chưa có ở showbiz Việt, nơi vẫn chỉ là chỉ trích, chê bai nghệ sĩ bê trễ mà chưa thẳng tay mời họ ra về.
Tại Hollywood, "trái đắng" một siêu sao thế giới nhận được khi có tác phong bê trễ, yêu sách không còn chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích để đó của truyền thông hay công chúng nữa.
Dù đẳng cấp tới đâu, họ hoàn toàn có thể bị đuổi thẳng khỏi sự kiện nếu có thái độ thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng chương trình.
Nữ ca sĩ đình đám thế giới Katy Perry từng bẽ bàng khi bị khán giả la ó phản đối và đuổi xuống sân khấu khi xuất hiện muộn tận 50 phút tại một show diễn ở tuần lễ thời trang Milan. Hay rõ rệt hơn ở trường hợp của Miranda Kerr.
Cô bị tài xế đưa đến nhầm sự kiện, dẫn đến hậu quả trễ hẹn với ban tổ chức show Louis Vuitton. Tuy đã trình bày lý do, song người đẹp vẫn bị từ chối vào cửa và phải quay lại xe về nhà.
Để yêu cầu nghệ sĩ, khách mời đáp ứng cho sự chuyên nghiệp của mình, tất nhiên bản thân phía người tổ chức chương trình cũng nên ý thức được việc phải đảm bảo một lịch trình thật chặt chẽ để nhận được sự tôn trọng, chấp hành ngược lại từ nghệ sĩ.
Một phóng viên bày tỏ sự tán đồng với quan điểm, họ sẽ không có trách nhiệm đưa tin ảnh, cho những nghệ sĩ thiếu ý thức đối với sự kiện mà họ tham gia.
Vì theo anh, tác phong đó khiến người khác cảm thấy chính người nghệ sĩ không có sự tôn trọng công việc mà mình nhận lời, cũng như không tôn trọng cả những phóng viên báo giới được mời trong sự kiện.
Và tất nhiên, chính ban tổ chức cũng đừng nên có tư tưởng xem giờ giấc in trên thư mời chỉ là con số trừ hao, bởi thời gian của ai cũng là quan trọng. Tự cho mình là quan trọng rồi làm những điều không hay, mới là cô lập mình khỏi guồng quay của sự chuyên nghiệp.
Tạm kết
Muốn nền giải trí phát triển mạnh mẽ, trước mắt những thành viên trong đó nên thay đổi từ những thứ nhỏ nhất về tư duy, ý thức, để tạo nên một văn hóa làm việc tốt đẹp.
Chứ không nên theo đuổi những thứ xa vời, lớn lao để ảo tưởng mình là ngôi sao hạng A hay A+. Trên thế giới, vẫn có rất nhiều nghệ sĩ giữ tác phong nghiêm khắc lịch trình, giờ giấc của mình và dễ thấy, họ thành công.
Hơn hết, thành công của họ được nhiều người tôn trọng. Chỉ những thay đổi nhỏ nhưng mang đến hiệu quả lớn, đó là con đường đi đến chuyên nghiệp. Vậy còn showbiz Việt thì sao? Đã đến lúc mạnh tay hơn chưa hay chỉ dừng lại ở chỉ trích và răn đe?