Quang cảnh hội thảo "Làm tổ cho đại bàng nội. Ảnh: Vân Ly
Cần hỗ trợ để tăng chất lượng hơn là số lượng doanh nghiệp nội
Hiện nay Chính phủ đã đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp nội trong phát triển kinh tế đất nước. Song, phát biểu tại toạ đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" do VCCI phối hợp với báo điện tử VnExpress và tập đoàn FLC tổ chức vào chiều ngày 5-3, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ để tăng chất lượng hơn là số lượng doanh nghiệp nội.Cần hỗ trợ để tăng chất lượng hơn là số lượng doanh nghiệp nội
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng tương lai sự thịnh vượng của đất nước phụ thuộc vào sự thịnh vượng của các doanh nghiệp. Nước ta có “hóa rồng” hay không phụ thuộc vào khối doanh nghiệp tư nhân có phát triển không.
Ông Lộc nói: “Hiện nay tại một số địa phương vẫn còn tình trạng coi nhẹ doanh nghiệp nội, đề cao doanh nghiệp ngoại. Cần phải làm sao hài hòa giữa doanh nghiệp nội ngoại - nhận thức cần phải thay đổi. Cần nâng niu để những doanh nghiệp tư nhân nội địa trở thành những doanh nghiệp dân tộc, dẫn dắt nền kinh kế đất nước. Nếu làm như vậy đất nước sẽ thịnh vượng và nền kinh tế sẽ tự chủ.”
Vẫn theo ông Lộc, đại hội Đảng vừa qua tiếp tục nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân. Thực tế kinh tế tư nhân đã chiếm tỉ trọng cao hơn khối kinh tế nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thêm nữa ông Lộc còn cho rằng, thực tế nước ta có 6,2 triệu doanh nghiệp tư nhân chứ không phải chỉ có 800.000 doanh nghiệp. Bởi cả nước có 5,4 triệu hộ kinh doanh về bản chất cũng hoạt động như những doanh nghiệp, chỉ là họ chưa đăng kí thành lập doanh nghiệp.
“Tính ra, nước ta có 24 doanh nghiệp trên 1000 dân. Ta không thua các nước về số lượng doanh nghiệp nhưng thua về chất lượng, thiếu những doanh nghiệp lớn mạnh. Do đó ta cần nâng cao chất lượng doanh nghiệp, cần có những hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp lớn. Hy vọng ta sẽ có những chính sách hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp chất lượng chứ không phải tăng số lượng doanh nghiệp,” ông Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lộc cũng gợi ý, hỗ trợ doanh nghiệp lớn sẽ không theo kiểu hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ - cầm tay chỉ việc. Mà doanh nghiệp lớn cần hỗ trợ thể chế, môi trường kinh doanh, minh bạch, thuận lợi, ổn định, an toàn. Trong đó sự an toàn là quan trọng hàng đầu. “Làm tổ cho đại bàng nội” chính là tạo môi trường cho làm ăn kinh doanh để doanh nghiệp nội thấy được bình đẳng và tôn trọng.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn có nên có chính sách đặc biệt với doanh nghiệp tư nhân lớn không? Ông Lộc cho rằng Chính phủ nên xây dựng những chương trình đối tác công tư để doanh nghiệp tư nhân phát triển – đây là cách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp tư nhân mà không trái với nguyên tắc hội nhập và bình đẳng.
Chủ tịch VCCI đưa ra ví dụ về ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Khi chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thực hiện một loạt hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư thông qua nghiên cứu, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và giúp ngành này dành lại thế thượng phong. Ông cho rằng trong mọi lĩnh vực, mối quan hệ giữa nhà nước kinh tế tư nhân đều có thể tận dụng phương thức này.
Ông Lộc cho rằng tỉnh Quảng Ninh là ví dụ điển hình trong đẩy mạnh đối tác công tư với nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ quan trọng.
Có mặt tại toạ đàm, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh cho biết, sự phát triển của tỉnh này thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp tư nhân. Toàn tỉnh hiện có 20 ngàn doanh nghiệp, nhiều dự án trọng điểm hàng ngàn tỉ đồng.
Năm 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Quảng Ninh là 10,7% với du lịch là mũi nhọn kinh tế. Đây cũng là địa phương huy động được tư nhân vào xây dựng cảng hàng không quốc tế. Về định hướng, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía bắc, là trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, cửa ngõ kinh tế vùng Bắc Bộ. Năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu đạt GDP bình quân 10 ngàn đô la Mỹ, tỉ lệ đô thị hoá trên 75%, dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm.
Ông Khắng cho rằng, những thành tựu đạt được trong 5 năm qua của Quảng Ninh là kết tinh của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, kế thừa, phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, đặc biệt là có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân. Quảng Ninh sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy tối đa năng lực.
Vì sao cần phải làm tổ cho cả đại bàng nội
Thời gian gần đây, trước xu hướng dịch chuyển đầu tư, Việt Nam trở nên thu hút đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ và nhiều chuyên gia đã bàn về việc Việt Nam cần phải làm tổ để đón đại bàng.
Song ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng không nên chỉ chuẩn bị tổ cho đại bàng ngoại mà cần làm tổ cho cả đại bàng nội. Nếu những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chừng 20-22% GDP mà lại chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại.
Cho nên, ông Thiên cho rằng cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân phải là doanh nghiệp Việt và nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.
Được biết hiện khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước đóng góp khoảng gần 29% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 18% GDP.
"Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi”, bà Nguyễn Thị Luyến, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói.
Tuy nhiên, câu chuyện kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp vẫn luôn là vấn đề nóng khi bàn về những thiệt thòi của khối tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận những nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin...
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI có nguyên nhân gốc rễ là môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chưa thực sự được tạo lập.
“Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt khu vực này vào sân chơi bằng phẳng với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng dành cho FDI và doanh nghiệp thân hữu phải được xóa bỏ”, bà Lan nhấn mạnh.