Bắt đầu từ việc nhận ra rằng nơi mình đang sống đang ngày càng bị ô nhiễm bởi những hộp nhựa, hộp xốp, chị Vũ Thị Thu Hà đã hợp tác cùng anh Nguyễn Văn Tuyến để thành lập doanh nghiệp chuyên bán những chiếc đĩa lá ép làm từ lá tra - sản phẩm có thể thay thế đĩa nhựa dùng một lần.
Đĩa lá ép góp phần bảo vệ thiên nhiên
Chị Vũ Thị Thu Hà (42 tuổi) là một người yêu thiên nhiên. Đó là lý do vì sao chị đến Phú Yên, thành lập dự án "1 tỷ cây xanh". Chị cũng là một thành viên nhiệt huyết trong những buổi nhặt rác quanh bờ biển.
Chính điều đó khiến chị phát hiện ra rằng bờ biển xinh đẹp ở Phú Yên đang bị tàn phá bởi những hộp xốp, hộp nhựa. Mọi người cứ vô tư quăng, chôn những thứ rác thải không thể phân hủy xuống đất mà không có bất cứ biện pháp nào.
Chính điều đó là thứ khiến chị ngay lập tức hứng thú với dự án của anh Nguyễn Văn Tuyến - một kỹ sư, người phát minh ra những chiếc đĩa lá tra có thể tái sử dụng, sản phẩm có thể thay thế đĩa nhựa dùng một lần.
Lá tra còn được gọi là lá nho biển hay bạc biển. Lá tra có độ dày, độ dai tuyệt vời, đó chính là lý do vì sao chị Hà và anh Tuyến chọn lá tra làm nguyên liệu chính cho sản phẩm này. Ngoài ra, lá tra còn có một lớp tinh dầu, thứ giúp cho lá chống thấm nước, giữ được độ bền.
Có thể nói, thứ đặc biệt nhất ở lá tra là độ dai, mềm. Trong khi lá sen phải cần mất 3 lá mới có thể ép thành đĩa, lá chuối cũng tương tự, cần rất nhiều lớp, lá bàng ta thì không thể ép được vì quá giòn thì lá tra là một lựa chọn tối ưu. Thế nên, sau nhiều lần thử nghiệm, anh Tuyến đã chọn lá tra. Ngoài ra, loại lá này còn không có độc, lá non ăn lại rất tốt, rất phù hợp cho việc sản xuất.
Chị Hà chia sẻ, khi bắt tay thực tế, chị phát hiện ra rằng thay vì lấy lá bánh tẻ - tức những lá đã già, héo, chị vẫn có thể sử dụng lá mới rụng, mới héo. Chúng vẫn có độ mềm, dai, khi ép bằng thủy lực, nhờ có lớp dầu khoáng mà lá giữ được độ bóng đẹp.
Ngoài ra, những cây tra ở Phú Yên hút nước biển nên khi ép cũng hình thành những vệt muối rất lạ. Với những chiếc lá khác nhau thì thành phẩm đĩa cũng khác nhau, không cái nào giống cái nào. Điều này càng tạo nên độ đặc sắc cho từng chiếc đĩa lá.
Chị Hà cho rằng, đĩa lá tra là một sản phẩm tối ưu để vừa bảo vệ môi trường nhưng lại là một thức quà đến từ môi trường, như một vòng tuần hoàn của chính thiên nhiên.
Đĩa lá ép có thể sử dụng nhiều lần, khác hẳn với đĩa nhựa và đĩa giấy. Sau khi sử dụng xong, người dùng có thể khử khuẩn rồi cho vào túi zip và đưa vào tủ lạnh để đĩa được hút ẩm. Bởi cách làm đĩa không sử dụng đến hóa chất nên hoàn toàn an toàn trong việc bảo quản và tái sử dụng. Chỉ cần trong quá trình sử dụng người dùng không để đĩa dính nước vì nếu không đĩa sẽ duỗi ra thành một chiếc lá bình thường. Vì thế đĩa lá ép thích hợp để đựng đồ khô như hạt, mứt...
Start-up từ thiên nhiên không phải việc dễ dàng
Sản phẩm đĩa lá tra của anh Tuyến và chị Hà đã được xuất khẩu đi ở nhiều nước Châu Âu. Sắp tới đây sẽ là xuất khẩu đi Mỹ với số lượng 30.000 chiếc.
Đó là điều chị Hà đúc kết được khi chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân mình. Chị kể, khó khăn không đến từ thiết bị máy móc. Máy móc được chị đặt từ năm 2021, đến tháng 6/2022 thì được lắp đặt và đi vào hoạt động. Mặc dù tốn một thời gian dài chờ đợi máy nhưng thật sự đó không phải vấn đề
Vấn đề ở đây phải kể đến là nguồn nguyên liệu - những chiếc lá tra. Chị kể, trước đây Phú Yên có rất nhiều cây tra, nên sản lượng lá rất dồi dào. Tuy nhiên, những năm gần đây, một nhóm người đã đến và thu mua cây tra dẫn đến nguồn lá bị thu hẹp.
Do đó, hiện tại Đĩa Lá Ép chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, còn xuất khẩu nước ngoài vẫn còn hạn chế. Chị cho biết, trong tương lai, nếu muốn mở rộng sản xuất, chị phải trồng cây tra và đợi từ 2-5 năm để được thu hoạch.
Ngoài ra, đầu mục ngốn nhiều chi phí nhất vẫn là nhân công bởi theo chị, sản phẩm đĩa lá ép này gần như là sản phẩm thủ công. Bà con địa phương phải đi nhặt lá, rửa lá, phơi lá,... hoàn toàn thủ công, máy chỉ hỗ trợ công đoạn ép.
Ngoài ra, đối với mỗi chiếc lá cũng cần phải được điều chỉnh thủ công cho phù hợp. Ví dụ nếu lá quá khô thì người thợ phải điều chỉnh máy ở nhiệt độ ẩm phù hợp để tránh lá bị nứt vỡ. Bởi thế mà chị Hà ví von những người thợ của mình như những người thợ thủ công.
Bởi những lý do trên mà giá cả của đĩa lá ép không thể so sánh với những sản phẩm đĩa nhựa dùng một lần. Ngoài ra, chi phí do các doanh nghiệp khác nhau cũng có sự khác biệt. Chị kể, có những bạn trẻ cũng khởi nghiệp bằng sản phẩm đĩa lá ép nhưng vì không tìm được nguồn nguyên liệu và tối ưu hóa nhân công mà giá bị đội lên rất nhiều.
Ví dụ, hiện nay mỗi chiếc đĩa chị Hà sản xuất ra sẽ có giá bán lẻ trong nước là 2.300 - 2.500 đồng với đủ kích thước, còn xuất khẩu sẽ có giá từ 2.500 đồng, trong khi đĩa đựng pizza với kích thước lớn hơn sẽ có giá từ 2.800 - 3.000 đồng/chiếc. Thế nhưng nhiều bạn trẻ không thể tối ưu hóa doanh nghiệp mà một chiếc đĩa được tạo ra có thể có giá đến 7000-8000 đồng. Như thế là thất bại.
Chị cũng đề cập thêm, khi mua sỉ từ 1.000 chiếc sẽ có giá 1.800 đồng/chiếc - tức là tương đương đĩa giấy bán ở siêu thị. Với mức giá này, chị mong sản phẩm sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Chị Hà chia sẻ, ngoài lá tra, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp bằng đĩa lá ép nên tìm hiểu kỹ. Các bạn có thể chọn bất cứ loại lá gì, lá gỗ tếch hay lá sen chẳng hạn, nhưng quan trọng là đảm bảo nguồn nguyên liệu và nhân công. Nếu không, sẽ rất khó có lợi nhuận từ những sản phẩm thiên nhiên, bởi bản chất của chúng là sản phẩm thủ công.