Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, cả nước có gần 800.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP. Đại dịch COVID-19 xảy ra, cộng đồng DN chịu hậu quả nặng nề. Trước khi hội nghị đối thoại của Thủ tướng với DN diễn ra, nhiều cơ quan như Bộ KH&ĐT, VCCI đã tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, giải pháp của cá nhân, doanh nghiệp qua trang thông tin điện tử.
“Với sự khảo sát quy mô lớn, lắng nghe ý kiến, đề xuất của cộng đồng DN, hội nghị này sẽ tập trung vào giải pháp, hiến kế để nền kinh tế phát triển. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, Phó Thủ tướng sẽ trực tiếp đưa ra thông điệp, cam kết nhằm hỗ trợ DN phát triển trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics cho biết, ngoài tác động tiêu cực như giảm doanh thu, đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để DN Logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ, cải tổ bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí. Khủng hoảng cũng là cơ hội để các DN nắm bắt thời cơ tìm ra con đường hợp tác, khôi phục hiệu quả. Trên con đường tìm hướng đi mới, DN rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Chủ tịch VCCI: Việt Nam chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển lớn nhất lịch sử
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trợ giúp quan trọng nhất lúc này với DN là thực thi thật nhanh, hiệu quả gói hỗ trợ đã ban hành, với nếu chậm, có thể DN không còn. Đồng thời, Việt Nam cần sẵn sàng chuẩn cho việc đón làn sóng dịch chuyển lớn nhất lịch sử.“Một trong những lợi thế lớn của Việt Nam là có 4 chuỗi cung ứng ngành điện thoại thông minh và linh kiện, máy tính và linh kiện điện tử, máy móc, phương tiện vận tải. Các chuỗi giá trị này liên quan đến các nước đã qua đỉnh dịch như Trung Quốc, các nước thuộc ASEAN. Với lợi thế này, chúng tôi rất mong Bộ KH&ĐT, Chính phủ có kế hoạch xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả, giúp DN và nền kinh tế sớm phục hồi”, ông Hiệp kiến nghị.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, để tái khởi động nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, cơ quan chức năng cần đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục chuyên ngành. Thủ tục đầu tư xây dựng khiến đa số dự án của DN vướng mắc, qua nhiều năm chưa tháo gỡ.
“Muốn DN phát triển đòi hỏi bộ máy quản lý nhà nước phải đổi mới từ gốc đến ngọn. Nhà nước cũng cần tạo cơ hội về mặt bằng để giải quyết tình trạng thiếu mặt bằng cho DN và tạo điều kiện tăng năng suất, mở rộng quy mô khi đã có thị trường”, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.
DN giữ vai trò trung tâm tạo việc làm, sức bật kinh tế
TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học kinh tế Fulbright đánh giá, kết quả phòng chống dịch COVID-19 đạt mục tiêu quan trọng kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sinh mạng của người dân. Bài toán tiếp theo không chỉ bảo vệ sinh mạng mà còn là bảo vệ sinh kế của người dân. Trong nỗ lực hồi phục kinh tế, bảo vệ và tạo sinh kế cho người dân, DN đóng vai trò trung tâm. Đây là nơi tạo ra giá trị, công ăn việc làm và sức bật cho nền kinh tế hậu COVID-19. Đây là lí do nằm đằng sau “Hội nghị Diên Hồng” Chính phủ gặp DN.
“Thời điểm này, vai trò của DN không chỉ nằm ở đóng góp tăng trưởng mà còn thể hiện ở việc giảm sốc cho nền kinh tế. Đồng thời tạo ra sinh kế, động lực cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn tiếp theo”, ông Tự Anh cho biết.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, con số gần 100 kiến nghị, đề xuất, giải pháp VCCI gửi đến hội nghị thể hiện kỳ vọng của cộng đồng với hội nghị này. Một trong những kỳ vọng của DN là cải cách bộ máy nhà nước, công khai minh bạch hơn nữa.Tiếp tục công cuộc cắt giảm giấy phép con.
“Doanh nghiệp luôn kỳ vọng Chính phủ chuyển dần sang kinh tế số, giao dịch trực tuyến, không tiếp xúc với cán bộ nhà nước. Điều này nhằm chấm dứt tình trạng DN phải bôi trơn khi làm thủ tục hành chính”, ông Doanh cho biết.
Ông Doanh đề nghị, các chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp cần được đưa vào các văn bản để bộ, ngành thực hiện và hiện thực hóa những cam kết Chính phủ với cộng đồng DN.
Nhiều kiến nghị của DN được hiện thực hóa
Ngay khi vừa nhận chức vào năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại lần thứ nhất với doanh nghiệp và sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tới năm 2017, Thủ tướng tiếp tục chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ hai và sau đó, ban hành Chỉ thị tiếp tục triển khai Nghị quyết 35 hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Năm 2018, Thủ tướng cũng chủ trì các hội nghị chuyên đề, như hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một lĩnh vực lợi thế lớn của Việt Nam.Năm 2019, Thủ tướng tiếp tục đối thoại với 1.000 DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.